Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội.
PV: Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội tại Hà Nội, hoạt động thanh kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đã diễn ra như thế nào, kết quả ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Cường: Trong thời gian qua, ngành y tế Hà Nội cũng như toàn xã hội đều tập trung vào chống dịch, tuy nhiên công tác thanh, kiểm tra các cơ sở KCB và cũng như các cơ sở kinh doanh dược, trang thiết bị y tế ngoài công lập vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y dược tư nhân được phân cấp rõ ràng theo 3 cấp: tuyến TP, quận/huyện, xã/phường. Trong đó Sở Y tế đóng vai trò tham mưu cho TP trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, tương tự tuyến quận/huyện và Trung tâm y tế và xã/ phường là các trạm y tế. Trong các hoạt động thanh kiểm tra đều có sự phối hợp của lực lượng công an và các lực lượng chức năng khác.
Hằng năm, các cấp đều phải chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, phải nắm bắt được trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở KCB, nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở làm đẹp thẩm mỹ…. để bố trí hoạt động quản lý, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.
Tuyến TP sẽ tập trung vào mô hình doanh nghiệp, song song đó cũng có những chuyên đề kiểm tra, đánh giá hoạt động chuyên môn của các phòng KCB, phòng khám đa khoa.
Ngày 15 hàng tháng, Thanh tra Sở Y tế tổ chức giao ban với các trưởng phòng y tế các quận/ huyện đánh giá công tác tháng vừa rồi, và nhiệm vụ trọng tâm trong tháng tới để nắm bắt được công tác kiểm tra của tuyến dưới đồng thời nắm bắt các cơ sở sai phạm để tránh sự chồng chéo trong công việc. Ví dụ như cơ sở khám chữa bệnh này quận đã kiểm tra rồi thì cấp TP sẽ không kiểm tra nữa, phường đã kiểm tra rồi thì quận không thực hiện kiểm tra.
Hoạt động thanh kiểm tra của Sở Y tế gồm công tác hậu kiểm của Phòng Quản lý hành nghề và kế hoạch thanh tra của Thanh tra Sở Y tế.
Ngoài kế hoạch được dự kiến hàng năm, những cơ sở nào xác định có dấu hiệu vi phạm thì có thể thực hiện việc thanh kiểm tra đột xuất bất cứ khi nào.
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 4.500 cơ sở KCB, phòng khám YHCT tư nhân; khoảng 7.000 nhà thuốc, quầy thuốc và hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh dược. Như vậy là xấp xỉ 13 nghìn cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập.
Với số lượng lớn như vậy vấn đề đặt ra là phải có cách thức quản lý phù hợp mới đảm bảo được công tác thanh kiểm tra. Quan điểm của Sở Y tế Hà Nội là mỗi cơ sở một năm phải được ít nhất một lần kiểm tra của xã, phường hoặc quận, huyện, TP để đánh giá tình hình hoạt động, ý thức chấp hành pháp luật.
4 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh kiểm tra 94 lượt cơ sở khám chữa bệnh... Đã xử lý 35 cơ sở, 4 cá nhân vi phạm.
Trong 94 cơ sở có 50 cơ sở kiểm tra theo kế hoạch, còn lại các cơ sở xác định có dấu hiệu vi phạm kiểm tra đột xuất. Trong đó, có 9 cá nhân bị tước chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh có thời hạn; tước giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động là 8 cơ sở. Tổng số tiền xử phạt là 1.121.200.000 đồng. Xử phạt các cơ sở kinh doanh dược, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm là 1.505.500.000 đồng.
Đối với công tác hậu kiểm, Phòng Quản lý ngành nghề (Sở Y tế Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra 50 cơ sở khám chữa bệnh, thu hồi giấy phép hoạt động của 21 cơ sở, đóng cửa hoạt động 9 cơ sở, tạm đình chỉ 3, chuyển thanh tra phạt 6, chuyển quận huyện phạt 4, khắc phục 16 cơ sở.
Đối với cơ sở hành nghề dược, Phòng Quản lý ngành nghề tiến hành kiểm tra 107 cơ sở, trong đó ban hành 68 quyết định thu hồi chủ yếu các quầy thuốc, nhà thuốc, 20 cơ sở chuyển phòng y tế xử phạt, 18 cơ sở khắc phục.
Cơ bản, qua quá trình kiểm tra, các cơ sở ngoài công lập hoạt động nề nếp, có ổn định, ý thức chấp hành các quy định về khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc tương đối tốt. Tuy nhiên cũng có những cơ sở vi phạm đã được xử lý.
PV: Thường những vi phạm đó là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Cường: Để nói tổng thể các lỗi hay vi phạm thì rất khó, mỗi cơ sở có hành vi vi phạm khác nhau. Ví dụ như các nhà thuốc hay vi phạm việc ghi chép sổ sách không đầy đủ…
Hay cơ sở KCB như biển hiệu không đúng quy định, người hành nghề không đeo biển tên cũng bị xử lý, hoạt động không đúng thời gian cho phép (có những cơ sở chỉ được hoạt động ngoài giờ hành chính, trong giờ không được phép).
Đặc biệt vấn đề nhức nhối nhất là vi phạm trong hoạt động quảng cáo ở các cơ sở chăm sóc sắc đẹp không phải do Sở Y tế cấp phép…
Trong công tác thanh kiểm tra, loại hình này đặc biệt được quan tâm vì không cẩn thận các cơ sở này sẽ lấn sang quảng cáo liên quan đến khám, chữa bệnh. Do vậy các vi phạm về quảng cáo của các cơ sở chăm sóc sắc đẹp là nhiều nhất.
PV: Sau khi xử phạt các cơ sở y dược ngoài công lập có sai phạm, Sở Y tế Hà Nội công bố thông tin cho người dân ra sao?
Ông Nguyễn Việt Cường: Sở Y tế Hà Nội có trang web riêng, có bộ phận truyền thông, hàng tuần sau khi xử lý xong, thanh tra Sở Y tế sẽ chuyển danh sách các phòng khám, cơ sở, nhà thuốc sai phạm để công bố trên website của Sở Y tế để người dân biết.
Ngoài ra, trong mỗi đợt thanh kiểm tra Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đều phối hợp với các cơ quan báo chí kịp thời đưa tin để người dân được biết.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!