Hà Nội

Có phòng ngừa MERS-CoV được không?

10-06-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hầu hết bệnh nhân mắc Hội chứng MERS-CoV phát triển bệnh hô hấp cấp tính nặng với các triệu chứng sốt (có thể sốt cao), ho và khó thở.

Hầu hết bệnh nhân mắc Hội chứng MERS-CoV phát triển bệnh hô hấp cấp tính nặng với các triệu chứng sốt (có thể sốt cao), ho và khó thở. Một số trường hợp có triệu chứng về rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn). Chính vì vậy, khi có các biểu hiện trên, người bệnh không được chủ quan, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với MERS, vì vậy, cần có chế độ chăm sóc tốt và điều trị triệu chứng kịp thời để hạn chế biến chứng, tử vong. Những trường hợp nghi ngờ mắc MERS cần phải cách ly tuyệt đối. Những người điều trị và chăm sóc người bệnh phải được mặc quần áo và sử dụng khẩu trang tuyệt đối vô khuẩn.

Những người đã từng ở các nước có dịch MERS trở về nước cần báo cáo cơ quan hữu quan để có biện pháp hỗ trợ, cách ly, theo dõi và chăm sóc, nhất là khi có các triệu chứng bệnh đường hô hấp như sốt, ho, khó thở hoặc có thêm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, đi lỏng…). Cần che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác y tế, đồng thời cần hạn chế tiếp xúc với người lành và bản thân người bệnh cần đeo khẩu trang hợp vệ sinh; Vấn đề phòng bệnh đặc hiệu với MERS vẫn còn gặp khó khăn do chưa có vắc-xin. Để tự bảo vệ bản thân mình, mọi người (bao gồm trẻ em và người lớn) cần rửa tay hàng ngày bằng xà phòng và nước sạch trong 20 giây (có thể sử dụng một chất rửa tay chứa cồn 70 độ).

PGS.BS. Bùi Khắc Hậu

 


Ý kiến của bạn