Kết quả bị ung thư bạch cầu. Xin bác sĩ tư vấn về bệnh và cách phòng ngừa?
Phạm Văn Cương (phamcuong@gmail.com)
Ung thư bạch cầu là bệnh ung thư của tủy xương. Tủy xương bình thường sản xuất ra các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Ung thư bạch cầu xảy ra khi quá trình sản xuất có trật tự bình thường này bị gián đoạn dẫn đến việc sản sinh ra các tế bào tủy chưa trưởng thành được gọi là sự bộc phát bạch cầu. Trong giai đoạn đầu, ung thư bạch cầu thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng diễn ra chậm. Một số triệu chứng bệnh bạch cầu như đổ mồ hôi về đêm, sốt, mệt mỏi thường giống với các triệu chứng của cúm. Tuy nhiên, nếu bị cúm, các triệu chứng sẽ giảm dần, còn thấy những biểu hiện này vẫn tồn tại khá lâu, cần đến gặp bác sĩ ngay. Để khẳng định chẩn đoán thì phải thực hiện xét nghiệm tủy xương bằng cách hút mẫu tủy và sinh thiết.
Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa rõ nhưng những yếu tố nguy cơ được biết đến như: tăng theo tuổi tác; một số bất thường di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, có thể làm tăng sự phát triển của bệnh. Hút thuốc lá, tiếp xúc với bức xạ năng lượng cao (ví dụ các vụ nổ bom nguyên tử) và tiếp xúc với cường độ bức xạ năng lượng thấp từ các trường điện từ, tiếp xúc với hóa chất (tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu) cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư bạch cầu... Hầu hết các bệnh bạch cầu không có liên kết gia đình.
Tuy nhiên, nếu trong gia đình có người mắc ung thư bạch cầu thì các thành viên còn lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Điều đáng nói là trong giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng hoặc chỉ thấy biểu hiện như bị cúm. Vì vậy, khi thấy biểu hiệm cúm kéo dài không đỡ, cần đi khám ngay để phòng dấu hiệu bệnh nguy hiểm có thể xảy ra.