Hà Nội

Có phòng được hạ canxi máu?

09-11-2013 13:25 | Phòng mạch online
google news

Hạ canxi máu là tình trạng hay gặp ở người bình thường và thường các triệu chứng hết nhanh sau khi lượng canxi được bù đủ mà không để lại hậu quả gì đặc biệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hạ canxi máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hạ canxi máu là tình trạng hay gặp ở người bình thường và thường các triệu chứng hết nhanh sau khi lượng canxi được bù đủ mà không để lại hậu quả gì đặc biệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hạ canxi máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Có phòng được hạ canxi máu? 1
 Suy thận cấp cũng là một nguyên nhân gây hạ canxi máu.

Thiếu canxi, do đâu?

Vai trò của canxi trong cơ thể

Canxi có vai trò hết sức quan trọng trong cơ thể sinh vật như là chất tạo nên những cấu trúc cơ bản của cơ thể như xương, răng, vỏ sò… và là chất điện giải không thể thiếu lưu thông trong, ngoài tế bào để hình thành nên điện thế của tế bào. Trong cơ thể người, canxi tham gia vào quá trình co cơ và như vậy, thiếu và thừa canxi đều ảnh hưởng đến sự hoạt động của các cơ đặc biệt là cơ tim, các cơ trơn ở phế quản phổi.

Canxi được đưa vào cơ thể qua thức ăn. Ruột hấp thu canxi sau đó đưa vào máu và được chứa chủ yếu ở xương, răng, nội tế bào, huyết tương. Mỗi ngày trung bình một người cần từ 0,5 - 2g canxi tùy theo đối tượng (trẻ em, người lớn, người đang phát triển nhanh, phụ nữ có thai) và lượng canxi thừa sẽ được thải trừ qua phân và nước tiểu.

Nồng độ bình thường của canxi trong máu vào khoảng 2,25 - 2,5 mmol/l. Đây là lượng canxi toàn phần. Lượng canxi trong cơ thể được điều hòa bởi tuyến cận giáp trạng. Đây là tuyến nội tiết nhỏ, có 4 phần nhỏ riêng rẽ như hạt đậu nằm chung quanh tuyến giáp trạng. Tuyến này tiết ra một hormone được gọi là parahormone để điều hòa lượng canxi hằng định trong máu.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng thiếu canxi. Các nguyên nhân có thể là bệnh lý như suy tuyến cận giáp trạng, phẫu thuật tuyến giáp lấy bỏ cả các tuyến giáp trạng, suy thận cấp giai đoạn phục hồi… và các nguyên nhân không phải bệnh lý. Nhóm nguyên nhân này có thể do mất canxi nhiều qua nước tiểu do dùng thuốc lợi tiểu, do suy dinh dưỡng hoặc do ăn uống kiêng khem quá mức dẫn đến thiếu lượng canxi và vitamin D cần thiết cho cơ thể.

Canxi cũng có thể bị thiếu do dùng một số thuốc hoặc là hậu quả của một số bệnh lý khác (ngoài tuyến cận giáp trạng). Một trường hợp đặc biệt gây nên sự thiếu tương đối canxi ion hóa (có hoạt tính) đó là hiện tượng kiềm máu (pH máu trên 7,45). Khi máu có tính kiềm cao, một lượng đáng kể canxi ion hóa sẽ tăng gắn vào protein huyết tương (trở thành canxi không hoạt tính) dẫn đến lượng canxi có hoạt tính bị thiếu và các triệu chứng của thiếu canxi máu sẽ xảy ra. Hiện tượng kiềm máu này rất hay gặp ở người bình thường nhất là phụ nữ trẻ, sau những stress tâm lý dẫn đến việc kích thích, thở nhanh gây kiềm hô hấp và hiện tượng thiếu tương đối canxi ion hóa sẽ xảy ra.

Biểu hiện của cơn hạ canxi máu

Biểu hiện của cơn hạ canxi máu (còn được gọi là cơn Tetani) chính là các triệu chứng của co thắt các cơ. Bệnh nhân đột ngột thấy tê đầu chi, lưỡi; thở nhanh, kích thích hoảng hốt, chuột rút các bắp chân; co cứng không chủ động các đầu chi khiến cho bàn tay co quắp như bàn tay người đỡ đẻ, mỗi cơn có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ. Nếu cơn Tetani không rõ, thầy thuốc có thể yêu cầu bệnh nhân hít thở sâu (làm kiềm hóa máu) và cơn Tetani sẽ xuất hiện. Một số các dấu hiệu khác như gõ vào giữa đường nối nhân trung - gò má làm cơ môi mép bên gõ bị giật hoặc buộc ép cánh tay lại bằng băng huyết áp cũng có thể gây cơn Tetani ở người bị hạ canxi huyết.

Ở phụ nữ trẻ, khi cơn Tetani xảy ra khiến cho bệnh nhân hoảng sợ, kích thích thở nhanh làm tăng hiện tượng kiềm máu, càng làm cho lượng canxi ion hóa bị giảm và kết quả là cơn Tetani càng nặng hơn tạo vòng xoắn bệnh lý rất nguy hiểm. Việc xác định bệnh nhân bị cơn Tetani chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng và làm xét nghiệm thấy có canxi máu giảm. Một số trường hợp nặng, các cơ trơn cũng có thể bị co thắt gây nên triệu chứng đau bụng, nôn mửa và nguy hiểm nhất là co thắt thanh môn khiến cho bệnh nhân bị suy hô hấp và loạn nhịp tim nếu lượng canxi máu xuống quá thấp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các biện pháp phòng ngừa hạ canxi máu

Hạ canxi máu là tình trạng có thể thay đổi được qua chế độ ăn uống và bổ sung canxi trong một số trường hợp có nguy cơ bị thiếu như người đã bị phẫu thuật cắt bỏ hết tuyến cận giáp, người đang dùng thuốc lợi tiểu…

Có phòng được hạ canxi máu? 2
 Hải sản là thực phẩm giàu canxi.

Sữa và chế phẩm sữa, cá nhỏ nguyên xương, cua đồng, tôm tép là nguồn cung cấp canxi quan trọng, trong đó, canxi trong sữa dễ hấp thu hơn là từ các nguồn thực phẩm khác. Chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ. Hạn chế ăn muối, uống cà phê, rượu,… vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi. Một chế độ ăn nhiều đạm, đặc biệt là đạm động vật (thịt, cá, tôm…) hoặc nhiều muối có thể gây ra hiện tượng tăng thải và mất canxi qua nước tiểu.

Với phụ nữ mang thai và trẻ đang phát triển, cần bổ sung thực phẩm giàu canxi trong thực đơn của mình. Ở người trưởng thành bình thường mỗi ngày cần 700mg/ngày, với phụ nữ mang thai là 1.000mg/ngày. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hàm lượng canxi trong 100g thực phẩm ăn được tính như sau: Cua đồng: 5.040mg; Rạm tươi: 3.520mg; Tép khô: 2.000mg; Ốc đá: 1.660mg; Sữa bột tách béo: 1.400mg; Ốc nhồi: 1.357mg; Ốc bươu: 1.310mg; Tôm đồng: 1.120mg; Sữa đặc có đường: 307mg; Tôm khô: 236mg; Lòng đỏ trứng vịt: 146mg; Hến: 144mg; Lòng đỏ trứng gà: 134mg; Sữa bò tươi: 120mg; Sữa chua: 120mg

Bên cạnh đó, mỗi ngày nên dành ít nhất 15-20 phút để tắm nắng vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể hấp thu được vitamin D vì vitamin D rất cần thiết để hấp thu canxi ở dạ dày và cho các hoạt động chức năng của canxi trong cơ thể. Vitamin D một phần nhỏ là từ thức ăn đưa vào, còn phần lớn thì phải do da tổng hợp khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đức Định


Ý kiến của bạn