Có phải vô tình...?

20-11-2014 22:32 | Thời sự
google news

SKĐS - Chuyện nghệ sĩ nhiều người biết đến được nhà xuất bản xin phép cho lên bìa sách để độc giả chú ý là chuyện bình thường.

Chuyện nghệ sĩ nhiều người biết đến được nhà xuất bản xin phép cho lên bìa sách để độc giả chú ý là chuyện bình thường. Thế nhưng khi khuôn mặt NS Công Lý  bị ghép vào thân hình trần trụi của kẻ khác in trên bìa sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội in ấn và phát hành lại là chuyện rất không bình thường khiến dư luận xôn xao.

Công Lý vốn là một diễn viên đa năng, không chỉ diễn mỗi hài nhưng những vai diễn của anh khiến khán giả nhớ lại là những vai hài. Và một cuốn sách rất nghiêm túc về luật và văn bản hướng dẫn của một quốc gia ngay từ trang bìa đã mang biểu tượng hài như một thông báo nội dung bên trong mà các sách vẫn thường làm!?

Có thể họa sĩ ấu trĩ tới mức lẫn lộn giữa khái niệm Công Lý với cái tên Công Lý của một nghệ sĩ để “minh họa bìa” cho nội dung pháp luật bên trong, song còn ban biên tập và lãnh đạo nhà xuất bản? Sự phẫn nộ của công chúng đưa biểu tượng hài vào một cuốn sách nghiêm túc đã đành nhưng phẫn nộ hơn là sự cắt ghép. Sao lại “đầu Công Lý, thân cơ bắp, cởi trần”?

Trong xuất bản đã xảy ra những cuốn  sách mà trong đó cờ Tổ quốc bị in sai thành cờ nước ngoài trước cổng trường, trong minh họa chữ “C” hoặc bài toán tập đếm được minh họa bằng việc... chặt ngón tay, hoặc “Từ điển học sinh” của Vũ Chất gần đây.... Tất cả đều “rút kinh nghiệm sâu sắc” và giờ thì thêm một scandal không phải trong sách dành cho trẻ em mà là dành cho người lớn!

Sẽ còn nhầm lẫn tương tự xảy ra nếu cơ chế “liên kết xuất bản” mà nói thẳng ra là “bán giấy phép” còn tồn tại. Khi đã “bán”, các nhà xuất bản sẽ không trực tiếp thực hiện cuốn sách của mình, mà nó được sản xuất bởi một công ty tư nhân nào đó còn nhà xuất bản chỉ đứng tên. Và đúng sai, hay dở sau khi xuất bản tùy vào sự tử tế hay lợi dụng của  đối tác, dẫu rằng nhà xuất bản phải tham gia việc duyệt sách nhưng nghiêm túc và trách nhiệm đến đâu thì lại là chuyện khác!

Thông cảm với các nhà xuất bản một năm ra hàng trăm đầu sách, mỗi đầu sách dày cả trăm trang trở lên thì giám đốc NXB không thể đọc hết đã đành mà biên tập viên cũng khó có thể đọc kỹ. Loại sách in văn bản càng dễ chủ quan! Và chính vì thế, kẻ xấu rất dễ lách qua sơ hở này để gây tác hại cho xã hội qua con đường xuất bản.

Vậy có nên cấm việc “liên kết xuất bản” không? Phía tích cực là đầu sách có ích được ra nhiều phục vụ nhu cầu bạn đọc cũng như NXB thiếu vốn xuất bản, lực lượng mỏng. Nhưng có tiêu cực thì hậu quả khôn lường! Ấn phẩm xuất bản cũng là một vũ khí trên mặt trận văn hóa, tuyên truyền, giáo dục. Nếu “liên kết” chỉ là chuyện “bán giấy phép” thì vô tình NXB đã bán cái mình không có bởi con dấu, trách nhiệm xuất bản là Nhà nước giao cho chứ không phải của giám đốc NXB!

Những ấn phẩm sai, vi phạm, phản cảm tất nhiên phải thu hồi nhưng đã có thống kê, báo cáo nào công bố thu hồi được bao nhiêu phần trăm số sách bán ra. Những cuốn nhạy cảm bị thu hồi có khi còn mang tác dụng ngược khi công chúng tò mò vì “sách cấm” sẽ khiến người ta in lậu, photo rồi chuyền tay nhau.

Chấm dứt tình trạng này, bên cạnh việc xử lý kiên quyết “đối tác” làm sai một thì  cần xử lý người cấp giấy phép gấp nhiều lần. Muốn hay không, nếu liên kết xuất bản ấn phẩm xấu thì NXB không thể chỉ coi là đồng lõa, tiếp tay, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả”  mà nghiêm trọng hơn là lợi dụng tín nhiệm (của Nhà nước) để thực hiện hành vi xấu. Kẻ đồng lõa, tiếp tay là kẻ không phải là chủ thể của hành vi xấu, đằng này nhà xuất bản là “chủ” với chữ ký, con dấu trên giấy phép xuất bản, tên biên tập viên, chịu trách nhiệm xuất bản (dù hình thức) có in trên sách. Càng không thể nói thiếu trách nhiệm gây hậu quả bởi NXB đã bán trách nhiệm cho đối tác tức là chủ động từ bỏ trách nhiệm để kiếm chút tiền còm thì có đâu mà thiếu!

Liên quan tới những sai phạm khi xuất bản cuốn sách “Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành 2014” và một số sai phạm khác, Cục Xuất bản - In - Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có các quyết định xử phạt hành chính đối với Nhà xuất bản Lao Ðộng - Xã hội với tổng số tiền phạt  lên tới 252 triệu đồng.

Trí Trung

 


Ý kiến của bạn