Có phải nhiễm khuẩn HP gây bệnh viêm loét dạ dày?

BS. Nguyễn Sỹ Đức

BS. Nguyễn Sỹ Đức

Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội

12-08-2021 17:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nhiều trẻ có H. pylori (HP) suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên . Vi khuẩn sống trong cơ thể nhiều năm trước khi chúng ta có triệu chứng, nhưng không phải ai cũng bị loét dạ dày. ThS. BS. Nguyễn Sỹ Đức sẽ giải đáp thắc mắc liên quan tới bệnh dạ dày và vi khuẩn HP.

ThS. BS. Nguyễn Sỹ Đức

Hỏi: Con gái tôi thường đau bụng, buồn nôn. Có khả năng con tôi bị bệnh dạ dày không? Nghe nói nhiễm vi khuẩn H.P có thể bị viêm loét dạ dày và gây đau bụng, gây nôn giống như con tôi.

Lê Thanh Hương ( Thanh Hóa)

Có phải nhiễm khuẩn HP gây bệnh viêm loét dạ dày?  - Ảnh 2.

Nếu bị loét dạ dày, người bệnh có thể cảm thấy đau nhói ở bụng

Trả lời: Sau khi vi khuẩn H. pylori xâm nhập vào dạ dày, nó sẽ tấn công niêm mạc dạ dày, đây là hàng rào bảo vệ cơ thể trước ảnh hưởng của acid do dạ dày tiết ra khi tiêu hóa thức ăn. Khi vi khuẩn gây ra tổn thương niêm mạc nhiều, acid có thể qua được lớp niêm mạc và gây ra loét. Nhiều trường hợp có thể bị chảy máu, gây nhiễm trùng, hoặc làm thức ăn không được tiêu hóa.

Nếu bị loét dạ dày, người bệnh có thể cảm thấy đau nhói ở bụng. Cơn đau có thể âm ỉ, nhưng thường xuất hiện khi dạ dày trống hoặc nửa đêm. Nó có thể kéo dài vài phút hoặc cả giờ. Người bệnh có thể cảm thấy đỡ đau sau ăn, uống sữa hoặc uống thuốc kháng acid.

Các dấu hiệu khác của viêm loét dạ dày bao gồm:

Ợ hơi, ợ chua

Không có cảm giác đói

Buồn nôn

Nôn

Sụt cân không rõ lý do

Tuy không phổ biến, nhưng một số trường hợp có H. pylori có thể gây ung thư dạ dày.

Nhiều trẻ có H. pylori suốt thời thơ ấu và khi lớn lên vẫn có nó. Vi khuẩn sống trong cơ thể nhiều năm trước khi chúng ta có triệu chứng, nhưng hầu hết mọi người sẽ không bị loét dạ dày. Các bác sĩ chưa hiểu rõ tại sao chỉ một số người bị loét dạ dày sau khi nhiễm H. pylori.

Tuy nhiên, trường hợp con bạn có dấu hiệu đau bụng thường xuyên, buồn nôn khi ăn như bạn kể, tốt nhất bạn cần cho con đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi đau bụng, buồn nôn có thể là dấu hiệu của một số bệnh khác nữa như rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích… Việc điều trị không đúng bệnh, sai nguyên nhân sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Xem thêm video được quan tâm:

Vũ điệu 5K phòng ngừa COVID-19.



ThS.BS. Nguyễn Sỹ Đức
Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn