Hà Nội

Có phải nấm hắc lào?

23-11-2014 19:29 | Y học 360
google news

SKĐS - Ở hai bên bẹn của em có những mảng mụn nước lấm tấm rất ngứa. Em đi khám bác sĩ cho thuốc điều trị nấm nhưng đã bôi một tuần rồi mà không khỏi.

Ở hai bên bẹn của em có những mảng mụn nước lấm tấm rất ngứa. Em đi khám bác sĩ cho thuốc điều trị nấm nhưng đã bôi một tuần rồi mà không khỏi. Có người nói em bị hắc lào và mách em dùng thuốc dân gian điều trị. Vậy em bị bệnh gì và nên dùng thuốc như thế nào?

Nguyễn Văn Hưng (hungnguyen8705 @gmail.com)

Vùng bẹn thường gặp các dạng tổn thương hắc lào và nấm bẹn.Có thể phân biệt hai loại này như sau:

Bệnh nấm hắc lào:  có biểu hiện là các đám tổn thương lúc đầu hơi đỏ, ranh giới rõ rệt, có bờ viền, trên bờ viền có những mụn nước nhỏ, xu hướng lành ở giữa, dần dần lan rộng thành đám có nhiều vòng cung. Do gãi nhiều, chà xát, bôi thuốc linh tinh, tổn thương có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát (trợt, rớm mủ, đóng vảy tiết, sưng tấy...) hoặc bị viêm da thứ phát. Biểu hiện là lấm tấm mụn nước trên khắp bề mặt đám tổn thương, viền bờ không còn rõ nữa... Bệnh có thể dai dẳng kéo dài hằng năm, gây ngứa nhiều.

Ở bệnh nấm bẹn: tổn thương thường tạo thành một mảng có bờ viền rõ rệt, có vảy, phần giữa có xu hướng lành và có mụn nhỏ lấm tấm ở vùng xung quanh bờ viền. Đám tổn thương có màu sẫm, đường kính một vài centimet, gây ngứa ngáy rất khó chịu, thường xuất hiện ở cả hai bẹn.

Để điều trị hắc lào có rất nhiều loại thuốc. Trong dân gian thường dùng lá muồng, ô môi, xương rồng bôi cũng có tác dụng nhưng có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn, viêm tấy... nếu dây vào vùng da non, bìu. Nhiều loại thuốc bôi cổ điển được pha chế sẵn như BSA, ASA, BSI có tác dụng tốt nhưng gây lột da nhiều, đau rát để lại màu đen trên da như sạm da. Gần đây có nhiều loại thuốc kháng nấm mới có thể dùng tại chỗ hay uống, có thể bôi các thuốc nước BSI 1-3%, ASA, dung dịch xịt econazol, clotrimazol, thuốc dạng mỡ, kem như benzosali, funga... Trường hợp nấm da diện rộng hay tái phát, nên kết hợp với thuốc chống nấm dạng uống. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được xác định chính xác dạng nấm từ đó bác sĩ sẽ kê đơn điều trị sẽ hiệu quả. 

BS. Vũ Hồng Ngọc

 

 

 


Ý kiến của bạn