Kết quả kỳ thi đại học năm nay đưa ra một thông điệp, học sinh của cả nước đều kém môn Lịch sử. Điểm 0 môn Lịch sử chiếm tỉ lệ cao, còn lại gần như chỉ đạt điểm dưới trung bình. Dư luận sững sờ song một vị lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại hồn nhiên trả lời báo chí rằng “Không nên coi điểm thi Sử thấp là thảm họa”!?
Cái lý mà vị lãnh đạo đáng kính có thể ung dung là Khi mà khoa học lịch sử có ít tiếng nói trong cuộc sống hiện đại, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi Sử ít đi thì môn Sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác. Nếu không có tin học thì người ta sẽ không sống được trong cuộc sống hiện đại, vì thế họ phải học. Và khi học rồi sẽ tìm thấy thu nhập cao, công việc tốt thì người học tự dưng thấy hay.
Chao ôi, cứ theo cách nghĩ này thì chẳng riêng môn Sử mà môn Địa, môn Văn, môn Đạo đức rồi đây cũng không được quan tâm vì khó kiếm việc làm và lương ít! Hóa ra dạy Văn không phải là dạy người, dạy Sử không phải là giáo dục niềm tự hào dân tộc và chúng ta không cần lo lắng dẫu các sĩ tử dù giỏi Toán, Lý, tiếng Anh, Tin học nhưng trong đầu chẳng có tí hiểu biết gì về lịch sử nước nhà.
Bác Hồ ngay từ khi cách mạng chưa thành công đã kêu gọi “Dân ta phải biết Sử ta” và chính Người đã tự tay viết diễn ca Lịch sử Việt Nam để giáo dục, tuyên truyền lòng yêu nước và tự tôn dân tộc trong quần chúng.
Dường như quan niệm sai về môn lịch sử nên ngành Giáo dục nước ta bấy nay chỉ nhồi nhét những kiến thức khô cứng kiểu như trận đánh này, chiến dịch kia tiêu diệt bao nhiêu giặc, thu bao nhiêu vũ khí mà quên cái “hồn Sử” là tinh thần truyền thống như ngọn lửa thổi vào tâm hồn trẻ thơ. Những con số như ngày tháng trận đánh, kẻ thù thương vong, vũ khí thu được trong thời buổi tin học ngày nay có lẽ chỉ cần nhấp chuột máy tính là xong nhưng lòng tự hào dân tộc thì không một tiến bộ khoa học kỹ thuật nào có thể đem lại cho các em. Tất nhiên, công bằng mà nói, chuyện học sinh ngày nay “dốt Sử” không hoàn toàn do ngành giáo dục mà cả xã hội cần phải chịu trách nhiệm. Giáo dục truyền thống, củng cố lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và xây dựng ý thức trách nhiệm với đất nước cho lớp trẻ, tuy nhà trường đảm trách là chính nhưng cả xã hội, mọi ngành mọi nghề phải xúm tay vào. Ngành giáo dục phải ngay lập tức - muộn còn hơn không - cải tiến chương trình, nội dung môn lịch sử với mục tiêu học sinh biết và yêu Lịch sử nước nhà một cách thực sự. Nhà nước cần có chiến lược đầu tư và kêu gọi mọi ngành, mọi nghề, đặc biệt là văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh về lịch sử nước nhà. Những nhà sáng tác chọn đề tài lịch sử với mục đích vì Tổ quốc, vì thế hệ trẻ chứ không vì đầu tư để những vụ tranh chấp, cãi nhau quanh một bộ phim nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long không bao giờ lặp lại. Chuyện phim “Đường tới thành Thăng Long” lai căng nước ngoài với trang phục, cảnh trí, câu chuyện xa lạ với lịch sử nước nhà lại càng không thể.
Trước mắt, thiết nghĩ mọi con đường trên cả nước mang tên danh nhân, địa danh lịch sử thiết nghĩ nên dựng bia với nội dung ngắn gọn, sâu sắc liên quan tên đường tại địa điểm thích hợp trên con đường đó để người đi đường có dịp đọc, hiểu hơn danh nhân, địa danh lịch sử được vinh danh. Mưa dầm thấm lâu, trẻ nhỏ, người lớn hiểu lịch sử nước nhà hơn và yêu Tổ quốc mình hơn, tự hào và có trách nhiệm với đất nước hơn.
Trở lại chuyện học sinh của cả nước đều kém môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua. Đó là một thảm họa mà bất cứ người yêu nước nào cũng phải suy nghĩ và xấu hổ. Không thể có một nền kinh tế mạnh, một quốc gia hùng cường nếu như người dân quốc gia ấy, đặc biệt là lớp trẻ thờ ơ với truyền thống cha ông, với lịch sử nước nhà.
Lê Quý Hiền