Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội)
Mụn cóc là những đốm cứng, sần sùi, mang màu sắc của da và đóng vảy trên bề mặt, có kích thước không đều nhau từ 2 - vài chục milimet. Mụn cóc có thể nổi lên ở nhiều vị trí trên cơ thể như lòng bàn chân, mu bàn tay, đầu gối, mặt...Nguyên nhân hình thành mụn cóc do virut HPV xâm nhập vào da thông qua các vết trầy xước. Có thể gặp mụn cóc này ở bất cứ vùng nào trên da, thường gặp nhất là ở bàn tay do chung đụng nhiều hoặc dưới lòng bàn chân, dưới móng tay, dưới móng chân... Đôi khi nó còn xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Mụn cóc tuy lành tính nhưng lại có khả năng lây lan từ người này sang người khác và lây lan tự thân tức là có khả năng lây lan từ một bộ phận này sang các bộ phận khác trên cơ thể. Mụn cóc ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ. Vì vậy điều trị mụn cóc là việc làm cần thiết. Tuy mụn cóc khó điều trị hơn so với các loại mụn khác nhưng không phải không có cách trị mụn cóc. Thậm chí, nếu bạn phát hiện bệnh sớm còn có thể tự điều trị tại nhà bằng một số cách dân gian như : Giã nát lá tía tô đắp lên vùng da bị mụn 15 phút, 2 lần /ngày trong vòng 1 tháng. Tương tự như vậy với nhựa chuối xanh. Tuy nhiên các phương pháp này cần kiên trì và có thể không khỏi triệt để. Bạn có thể đến khám tại cơ sở chuyên khoa da liễu để được xác định có phải bị mụn cóc hay không và được điều trị. Hiện có các biện pháp điều trị hiệu quả mụn cóc như sử dụng dung dịch thoa tại chỗ gồm acid salicylic và acid lactic, chấm nitơ lỏng, đốt điện, laser, tiểu phẫu,...