Có phải chứng rối loạn lo âu?

18-04-2019 06:35 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi năm nay 37 tuổi, từ khi anh tôi mất do đột quỵ, tôi suy nghĩ nhiều nên thường hồi hộp và hay mệt.

Tôi đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị suy nhược cơ thể, nhịp tim nhanh. Tôi uống thuốc được 10 ngày thấy cơn hồi hộp, lo sợ giảm nhiều, song vẫn chưa khỏe và rất khó ngủ. Xin hỏi bệnh tôi có nguy hiểm không, bác sĩ cho tôi lời khuyên để có cuộc sống khỏe mạnh.

Quốc Bảo (Hà Nam)

Bệnh của anh khởi phát từ yếu tố tâm lý (có người anh mất do đột quỵ). Có rất nhiều trường hợp tương tự như anh. Suy nhược cơ thể hay chứng rối loạn lo âu thường khởi đầu từ căn nguyên. Đây là một bệnh không nguy hiểm nhưng có ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Việc điều trị suy nhược cơ thể hay chứng rối loạn lo âu cần phải có thời gian, có khi phải kết hợp điều trị thuốc và thay đổi môi trường sống (tránh tiếp xúc các yếu tố tâm lý dẫn đến bệnh). Tuy nhiên, có trường hợp chứng rối loạn lo âu chỉ cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Hiện nay, đột quỵ là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, việc anh lo lắng sau khi có người anh mất do đột quỵ cũng khó tránh. Vấn đề khó ngủ là một triệu chứng và cũng là hậu quả của tình trạng lo âu.

Theo anh kể, các triệu chứng rối loạn lo âu có giảm sau khi dùng thuốc. Do đó, tôi khuyên anh nên theo dõi tái khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ. Để việc điều trị đạt hiệu quả tốt, anh nên kiên nhẫn theo một bác sĩ (chuyên khoa thần kinh). Ngoài việc đi khám bệnh, anh cần phải có chế độ ăn uống đủ chất, chọn môn thể thao yêu thích và tập luyện thường xuyên, đề nghị bác sĩ cho tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân và béo phì, các bệnh tim mạch) và điều trị tích cực nếu có.

Chúc anh nhanh khỏi bệnh!

BS. Hoài Phương


Ý kiến của bạn