Gồng mình chống trọi
Thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) hiện đang phải chạy đua với các biến thể virus SAR-CoV-2 từ Ấn Độ. Theo thông báo mới nhất của cơ quan y tế Quảng Châu, bắt đầu từ 22h00 tối 31/5, hành khách rời Quảng Châu phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ. Những nơi có người nhiễm bệnh đã được yêu cầu dừng tất cả các hoạt động không cần thiết. Tỉnh Quảng Đông trước đó đã vượt qua 6 đợt bùng phát dịch COVID-19 tại địa phương do các ca bệnh nhập khẩu gây ra. Tất cả đều có chuỗi truyền nhiễm rất ngắn, do đó, được kiểm soát trong vòng một tuần. Tuy nhiên, lần tái bùng phát dịch bệnh lần này có chuỗi truyền nhiễm dài hơn nhiều và 5 thế hệ bệnh nhân riêng lẻ.
Từ ngày 1 - 14/6, Malaysia phải phong tỏa toàn diện để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Theo đó, nước này sẽ đóng cửa tất cả các trung tâm mua sắm và cấm tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ không thiết yếu. Ngày 31/5, Sở Y tế tỉnh Svay Rieng (Campuchia) - nằm giáp biên giới Việt Nam, kêu gọi toàn bộ các công nhân nhà máy You Li (thuộc Đặc khu kinh tế Shandong Bavet) tại địa phương cách ly triệt để sau khi phát hiện 300 người tại khu vực này bị mắc COVID-19.
Tính đến ngày 31/5, Philippines ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này là 1.223.627 ca. Bộ Y tế nước này kêu gọi tất cả các chính quyền địa phương tăng cường biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Nam Phi, Anh và Ấn Độ.
Làn sóng lây nhiễm mới đang buộc Đài Loan (Trung Quốc) - nơi từng được mô tả là thành công lớn trong cuộc chiến chống COVID-19, ban bố trở lại các biện pháp hạn chế, như đóng cửa trường học, quán bar, phần lớn cơ sở công cộng và cấm nhà hàng phục vụ ăn uống tại chỗ. Tại Ấn Độ, chính quyền vùng thủ đô Delhi, các bang Tamil Nadu và Kerala cũng gia hạn biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh.
Lý giải hiện tượng “chuyển từ thế thắng thành bại” trong cuộc chiến chống COVID-19 của châu Á, Giáo sư Ben Cowling đến từ Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Hong Kong cho biết đại dịch COVID-19 vẫn sẽ lây lan trên toàn cầu đến khi nào tiêm chủng đầy đủ cho người dân.
Vị giáo sư này chỉ ra thách thức hiện nay là cải thiện "mức độ bao phủ vắc xin" COVID-19 của châu Á. Một số nơi ở châu Á tới nay có nguồn cung hạn chế. Ở những nơi khác, nguồn cung nhiều nhưng người dân không chịu tiêm. "Điều đó sẽ làm kéo dài COVID-19 khu vực này" - ông Ben Cowling cảnh báo.
Tăng tốc chủng ngừa vắc xin
Chính quyền Malaysia vừa thành lập mới 5 trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở Kuala Lumpur và có thể lập thêm hai trung tâm tương tự ở bang Penang miền Bắc và bang Johor miền Nam. Mỗi một trung tâm như vậy có khả năng tiêm ngừa 40 nghìn liều/ngày. Đồng thời, các trung tâm tiêm chủng vắc xin di động sẽ được thành lập tại các tuyến đường. Nguồn cung vắc xin sẽ tăng trong thời gian tới, vì thế chính quyền nước này sẽ huy động nhân lực từ các bệnh viện, trung tâm y tế tư nhân tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm chủng. Chính phủ sẽ tiến hành huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ bác sĩ, y tá thực hiện tiêm chủng, xuất phát từ thực tế một số loại vắc xin cần cách xử lý và bảo quản khác nhau và khác các loại vắc xin thông thường.
Người đứng đầu lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Chính phủ Philippines – ông Czar Carlito Galvez - trong cho biết, trong tháng 6, Philippines dự kiến sẽ nhận thêm 10 triệu liều vắc xin. Lô 250 nghìn liều đầu tiên của Moderna dự kiến cũng sẽ đến trong ngày 21/6. Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đặt mục tiêu tiêm ngừa COVID-19 cho khoảng 70 triệu dân hoặc trên 50% dân số trong năm nay.
Chính phủ Ấn Độ khẳng định, trong tháng 6, quốc gia này sẽ nhận được gần 120 triệu liều vắc xin để dùng trong nước, cao hơn nhiều so với mức 79,4 triệu liều trong tháng 5.
Tại cuộc Đối thoại chuyên gia lần thứ hai về vắc xin ngừa COVID-19 vừa diễn ra ở Jarkata, Indonesia, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans cho biết dự kiến, ASEAN sẽ nhận được hơn 32 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX vào cuối năm 2021.