Mọi người nói cháu bị chàm sữa. Xin hỏi bác sĩ vì sao bé bị bệnh này, cần khám chữa ở đâu? Có nguy hiểm không?
Nguyễn Phương Mai (maiphuong @gmail.com)
Chàm sữa còn gọi lác sữa là bệnh hay gặp ở trẻ em độ tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi. Đặc tính của bệnh là viêm da dị ứng. Bệnh không nguy hiểm cho sức khỏe của bé nhưng khiến vùng da bị tổn thương khô căng, nứt nẻ, chảy máu gây khó chịu, ngứa ngáy, có khi bội nhiễm. Tổn thương thường 2 bên má, đối xứng, có thể lan ra cằm, trán nhưng không có ở mắt, mũi, có thể lan ra thân mình và tứ chi nhưng vùng tã lót, vùng nách không có. Khởi đầu là những mẩn đỏ, rồi trở thành mụn nước nhỏ li ti, đỏ, nứt da, rịn nước đóng màng và tróc vẩy. Trên lâm sàng phân chàm sữa cấp tính và chàm sữa mạn tính và chàm sữa bán cấp. Chàm cấp tính: tổn thương màu hồng, mụn nước, rỉ dịch, đóng vẩy, ngứa dữ dội; Chàm mạn tính tổn thương là mảng da dày, khô, ráp, tróc vẩy, với nhiều rãnh ngang dọc và thay đổi sắc tố da sau viêm; Chàm bán cấp là giai đoạn giữa cấp và mạn. Nguyên nhân gây chàm sữa rất phức tạp, có thể do bụi nhà, phấn hoa, thức ăn (sữa trứng, đồ biển...). Theo thư mô tả thì bé bị chàm sữa cấp tính. Về điều trị, tốt nhất là chị nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn sử dụng loại thuốc bôi phù hợp với thể bệnh. Đã có nhiều trường hợp nghe theo mách bảo tự ý mua thuốc bôi cho bé hết loại này đến loại khác, thậm chí trong đó có coticosteroid, bôi lâu gây tác dụng phụ dẫn đến hậu quả vùng tổn thương chàm bội nhiễm nấm, teo da, mất màu da.