Hà Nội

Có những dấu hiệu sau ở vùng đầu cổ mặt, cẩn thận bị loại ung thư cực kỳ nguy hiểm, gây tử vong cao

14-06-2022 10:27 | Y học 360
google news

SKĐS - 10 năm trước, bà Yến (Hà Nội) thấy có khối u vùng dưới hàm phải, to dần lên, nhưng vì không thấy khó chịu hay đau đớn nên bà không khám và điều trị. Đi viện, bác sĩ nói bà mắc ung thư tuyến nước bọt dưới hàm giai đoạn 4.

Bà Yến sống chung với khối u suốt 10 năm, u phát triển âm thầm, không gây đau đớn. Đến khi thấy u to lên nhanh, lại có dấu hiệu không di động thì bà mới đi khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Tại bệnh viện, bà rất bất ngờ khi nghe bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư tuyến nước bọt dưới hàm giai đoạn 4. Đau đớn hơn, bác sĩ nói nếu bà đến sớm thì việc phẫu thuật không quá phức tạp, thậm chí sau mổ không cần điều trị thêm mà chỉ cần theo dõi, tiên lượng tốt.

Bà phải phẫu thuật cắt rộng u, tạo hình lại vùng dưới hàm do u xâm lấn rộng ra da và xạ trị sau mổ. Bác sĩ nói tiên lượng không khả quan do bà đến viện quá muộn.

ung_thu_tuyen_nuoc_bot.jpeg

Khối ung thư tuyến nước bọt dưới hàm của bà Yến đã xâm lấn rất rộng

Tuyến nước bọt là nơi để tạo ra nước bọt, tiết nước bọt. Nước bọt giúp cho chúng ta tiêu thụ thức ăn bằng cách nhai và nuốt, làm sạch vùng miệng. 

Ung thư tuyến nước bọt tuy là căn bệnh hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm và có khả năng gây tử vong cao.
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Theo BS Đinh Hữu Tâm, khoa Giải phẫu bệnh (Bệnh viện 108), khối u tuyến nước bọt là loại hiếm gặp có ở trong tuyến nước bọt tại khoang miệng, chiếm ít hơn 10% của tất cả các khối u đầu và cổ. Trong đó, ung thư tuyến nước bọt dưới hàm chỉ chiếm khoảng 8 - 15% trong tổng số người bệnh.

Một thống kê của GLOBOCAN 2018, có 353 ca mới mắc ung thư tuyến nước bọt mỗi năm và đứng thứ 23 trong các ung thư chung. Loại ung thư này bao gồm các tuyến nước bọt chính và phụ, trong đó các khối u tuyến mang tai chiếm 80%. 

Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người bệnh chủ quan không điều trị đến khi khối u to lên mới đi khám thì đã muộn.

Nguyên nhân của ung thư tuyến nước bọt hầu như không rõ ràng. Tiếp xúc với bức xạ như xạ trị liều thấp, nhiều lần chụp Xquang nha khoa là những yếu tố thường được nghi ngờ nhất đến sự phát triển của khối u tuyến nước bọt.

Các yếu tố khác có thể có liên quan bao gồm có phơi nhiễm tại nơi làm việc (niken, cao su, silica), chế độ ăn uống, tuổi tác, di truyền. Ngoài ra, khoảng 2% các khối u tuyến đa hình lành tính có thể chuyển dạng thành ác tính.

Triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt?

BS Tâm cho hay phần lớn ung thư tuyến nước bọt phát sinh từ tuyến nước bọt mang tai và dưới hàm, biểu hiện bằng khối sưng phồng trong tuyến nước bọt. Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 70 đến 80% ung thư tuyến nước bọt xuất hiện ở khu vực mang tai. 

Nếu bị ung thư tuyến mang tai, bệnh nhân thường đau, mất cảm giác hoặc khó mở hàm. Các triệu chứng nghi ngờ như u phát triển nhanh, liệt thần kinh mặt, u di động kém, hach bạch huyết sưng to.

Nếu mắc ung thư tuyến nước bọt dưới hàm (như bà Yến trên đây), bệnh nhân thường biểu hiện một khối ở trước cổ không đau, nếu đau thường là tổn thương viêm. Các dấu hiệu ít phổ biến hơn như: ít di động, xâm lấn da, liệt thần kinh mặt, hạch sưng to.

Bệnh nhân bị ung thư tuyến nước bọt dưới lưỡi thường biểu hiện bằng một khối ở sàn miệng.

Các khối u tuyến nước bọt phụ thường biểu hiện dưới dạng một khối u dưới niêm mạc không loét, không đau của khoang miệng, điển hình ở khẩu cái cứng hoặc mềm.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt

Phương pháp điều trị chính của ung thư tuyến nước bọt hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Ngoài ra, phẫu thuật tái tạo bao gồm: thần kinh, da, xương, mô mềm… có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật nhằm đảm bảo chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Xạ trị bổ trợ được chỉ định cho các bênh nhân giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn cuối. Trong khi đó, một số bệnh nhân mắc ung thư tuyến nước bọt phụ, xạ trị có thể được cân nhắc là phương pháp điều trị ban đầu.

Lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư tuyến nước bọt

- Có cục hoặc sưng trong miệng, má, hàm hoặc cổ

- Đau ở miệng, má, hàm, tai hoặc cổ mà không đỡ

- Có khác biệt giữa kích thước và/hoặc hình dạng của bên trái và bên phải của khuôn mặt hoặc cổ trước khi có khối u

- Tê ở một phần khuôn mặt; Có yếu các cơ ở một bên mặt

- Khó mở miệng rộng hơn, khó nuốt

- Có dịch bất thường chảy ra từ tai

Một số các dấu hiệu và triệu chứng trên cũng có thể được gây ra bởi các khối u tuyến nước bọt lành tính (không phải ung thư) hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề nào trong số này, người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa ung bướu để có thể được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

(Bệnh viện Ung bướu Hà Nội)

(Tên nhân vật trong bài đã thay đổi)

Ung thư tuyến nước bọt:  Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trịUng thư tuyến nước bọt: Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị

SKĐS- Ung thư tuyến nước bọt là một căn bệnh ung thư chiếm từ 2-4% các ung thư vùng đầu cổ. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người bệnh chủ quan không điều trị. Chỉ đến khi khối u to lên mới đi khám thì đã muộn.


T.Nguyên
Ý kiến của bạn