“Cổ” như... phố cổ Đồng Văn

20-10-2013 07:26 | Xã hội

Cũng giống như tại làng cổ Đường Lâm, hay tại các phố cổ Hà Nội, tình trạng xuống cấp tại các ngôi nhà cổ Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đang hàng ngày đe dọa sự sống của người dân nơi đây.

Cũng giống như tại làng cổ Đường Lâm, hay tại các phố cổ Hà Nội, tình trạng xuống cấp tại các ngôi nhà cổ Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đang hàng ngày đe dọa sự sống của người dân nơi đây. Cũng bởi chờ đợi dự án trùng tu sửa chữa quá lâu mà thời gian qua không ít hộ gia đình tại phố cổ Đồng Văn đã có ý định xin trả lại danh hiệu Di tích cấp Quốc gia.
 
Phố cổ Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu, màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ cao cao... Nhưng những hình ảnh đẹp đó đang phải nhường lại cho những bức xúc của người dân nơi đây.
 
Ngôi nhà hơn 150 tuổi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Vân, hơn chục năm nay gia đình ông Vân cùng nhiều hộ gia đình khác tại phố cổ Đồng Văn phải sống trong những ngôi nhà chật chội, ẩm thấp, tường nghiêng, vách lở, mái dột... nhưng vì là nhà cổ thuộc Nhà nước quản lý, ông Vân cũng như người dân Đồng Văn không thể tự ý sửa chữa hay xây mới... tất cả đều phải chờ ý kiến chỉ đạo. Ông Nguyễn Ngọc Vân tâm sự, ngôi nhà đã xuống cấp quá trầm trọng, gia đình mua gạch về để đấy, không cho làm thì phải chịu thôi. Tường thì đổ rồi, các tường bên trong rỗng hết rồi, chuột ra vào nhà bình thường, phải lấy gạch chèn vào, ngói vỡ nhiều... Nhà nước bảo trùng tu lại bao nhiêu lần rồi nhưng tới bây giờ vẫn chưa làm được.
“Cổ” như... phố cổ Đồng Văn 1
 Một góc phố cổ đang xuống cấp ở thị trấn Đồng Văn.

Tại phố cổ Đồng Văn hiện còn khoảng 35 nóc nhà cổ, hầu hết được xây dựng từ thời Pháp thuộc, với kiến trúc độc đáo tường đất, mái ngói nổi bật của người dân tộc Mông - Hà Giang. Năm 2009, quần thể này được công nhận là Di tích Quốc gia. Tuy nhiên, tới nay tình trạng xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng của các ngôi nhà đang hàng ngày đe dọa sự sống người dân. Nhưng cũng suốt những năm qua, chưa có một nguồn kinh phí nào được triển khai cho việc tôn tạo, tu bổ phố cổ Đồng Văn. Ông Lương Đình Nhất - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, vừa rồi tỉnh có chỉ đạo Sở Văn hóa phối hợp với thị trấn Đồng Văn kiểm đếm lại nhà cổ có nguy cơ xuống cấp cần phải cấp thiết sửa trong năm nay, tuy không sửa được hết nhưng cũng phải được một số cái ưu tiên, cái nào sắp đổ thì sửa trước. Tuy nhiên, nguồn vốn năm 2013 chỉ có 900 triệu, rất nhỏ so với việc trùng tu, sửa chữa...

Như vậy, theo chủ chương thì từ nay tới cuối năm, một số hộ dân trong khu phố cổ Đồng Văn sẽ được Nhà nước giúp sửa chữa lại nhà. Tuy nhiên, chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm nhưng kế hoạch sửa chữa nhà cổ vẫn chưa có một phương án rõ ràng. Ông Lương Đình Nhất cho rằng, cái khó khăn lớn nhất vẫn là vốn, còn sau khi bắt đầu trùng tu thì sẽ thỏa thuận trùng tu thế nào, bằng cách nào, phương pháp nào, còn rất nhiều yếu tố để sửa làm sao không mất đi bản sắc...

Phố cổ Đồng Văn là một điểm nhấn văn hóa quan trọng của huyện Đồng Văn, cùng với cao nguyên đá, sự độc đạo của nghệ thuật phố cổ là nét hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Hà Giang. Tuy nhiên, hầu hết các ngôi nhà cổ ở Đồng Văn đều đang trong tình trạng cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế việc cần phải duy trì một cuộc sống bình thường của đồng bào để bảo tồn một không gian văn hóa của nhiều dân tộc đang sống ở Đồng Văn sẽ hấp dẫn du khách hơn những ngôi nhà cổ dù được gìn giữ tốt nhưng lại không gắn với sự sống, với sinh hoạt của con người. Và nguy hiểm hơn, nếu việc bảo tồn gìn giữ các ngôi nhà cổ không sớm được giải quyết thì cuộc sống của người dân nơi đây vẫn sẽ bị đe dọa bởi nguy cơ sập nhà bất cứ lúc nào... Và chắc chắn khách du lịch cũng không ai thích khi tình trạng nhà cổ bị sửa chữa một cách tạm bợ, chắp vá như hiện nay.

Mạnh Trung


Ý kiến của bạn