Các dấu hiệu dậy thì sớm xuất hiện trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai luôn cần được theo dõi cẩn thận. Vậy, những yếu tố nguy cơ khi trẻ dậy thì sớm là gì?
Dậy thì sớm gồm có hai nhóm
Dậy thì sớm trung ương: Tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm ba bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não – tuyến yên (nơi sản xuất hormone kích thích hoàng thể tố (LH) để chỉ huy buồng trứng và tinh hoàn sản xuất hormone sinh dục) – tuyến sinh dục là tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái.
Dậy thì sớm ngoại biên: Tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái, các nguyên nhân tại thượng thận ở trẻ trai như u vỏ thượng thận, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây sản xuất thừa hormone nam của thượng thận ở trẻ trai, u tinh hoàn.
Ngoài hai nhóm trên thì còn có nhóm phát triển sớm tuyến vú hoặc mọc lông sinh dục sớm, nhưng là sự khác biệt của bình thường chứ không phải bệnh lý.
Dậy thì sớm ở trẻ do đâu?
Dậy thì sớm là hiện tượng trẻ có dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai. Theo đó dậy thì là giai đoạn trẻ có sự tăng trưởng vượt bậc về chiều cao và cân nặng, kèm theo những thay đổi về tâm, sinh lý, nội tiết… Thời điểm dậy thì ở mỗi trẻ có thể khác nhau, tuy nhiên trung bình dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu xuất hiện ở bé gái từ 8 – 13 tuổi và ở bé trai từ 9 – 14 tuổi.
Tuổi dậy thì mang ý nghĩa quan trọng đối với cả bé trai lẫn bé gái, đánh dấu cột mốc trẻ sẵn sàng trở thành người lớn, là tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến quá trình đó bị đẩy nhanh hơn, gây ra hiện tượng dậy thì sớm.
Dậy thì sớm do nhiều nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ khác nhau gây ra, trong đó chủ yếu do các nguyên nhân sau:
- Do giới tính: Các bé gái thường có xu hướng dậy thì sớm hơn các bé trai cùng tuổi.
- Do thừa cân – Béo phì: Trẻ bị thừa cân, béo phì sẽ có nồng độ leptin cao hơn so với trẻ bình thường. Leptin là một loại hormone kích thích yếu tố tăng trưởng, tạo ra bởi các tế bào chất béo. Khi cơ thể của trẻ có nhiều leptin thì sẽ dẫn đến tuổi dậy thì diễn ra sớm hơn.
- Do tiếp xúc với các hormone giới tính: Việc tiếp xúc với estrogen hay testosterone thông qua kem, thuốc mỡ hoặc các chất khác có chứa hormone sinh dục (như qua chế độ ăn uống) có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.
- Do trẻ mắc một số bệnh: Dậy thì sớm có thể là biến chứng của hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh – bệnh liên quan đến sản xuất bất thường các kích thích tố nam (androgen) hoặc do suy giáp gây ra.
- Do bức xạ trị liệu tác động lên hệ thống thần kinh trung ương: Việc xạ trị các khối u, ung thư máu hoặc các can thiệp tương tự có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.
- Các yếu tố khác như: Do thực phẩm có nhiều các hormone tăng trưởng nếu cho trẻ sử dụng trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ dậy thì sớm. Ngoài ra, những thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, đồ ngọt… cũng gây dậy thì sớm ở trẻ, bởi chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu (phtalanats), vừa dễ gây béo phì, vừa có tác dụng tương tự như hormone giới tính, làm gia tăng dậy thì sớm.
Cách ngăn chặn dậy thì sớm
Cha mẹ có thể làm gì để ngăn ngừa dậy thì sớm?
Giữ cân nặng của con bạn ở mức phù hợp có thể giúp giảm nguy cơ dậy thì sớm và các tình trạng khác liên quan đến béo phì và thừa cân. Cha mẹ cũng nên tránh tự ý dùng thuốc nội tiết tố cho trẻ, không dùng thực phẩm chức năng, các sản phẩm khác có thể chứa estrogen hoặc testosterone… trừ khi được bác sĩ kê đơn hoặc chỉ định.
Trên thực tế chúng ta thấy xu hướng dậy thì sớm ngày càng tăng trên thế giới. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám, đánh giá và làm thêm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp Xquang tuổi xương, MRI sọ não... để chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Có một số ít trường hợp là dậy thì bệnh lý cần phải điều trị kịp thời. Những trường hợp còn lại cần điều trị kìm hãm để đạt chiều cao tối đa lúc trưởng thành.