Nguyễn Thị Hà (Nghệ An)
Trứng cá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Có nhiều nguyên nhân chính gây mụn trứng cá: Do da sản xuất quá nhiều dầu làm bít tắc nang lông do dầu và tế bào da chết; do vi khuẩn; do rối loạn hoạt động của hormon; do tác dụng phụ của thuốc như thuốc corticosteroid, testosterone, lithium...; chế độ ăn nhiều chất béo và giàu năng lượng, chocolate... hoặc chế độ làm việc nghỉ ngơi không phù hợp như thức quá khuya... Vì vậy, tùy nguyên nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp.
Thuốc tránh thai đường uống phối hợp (estrogen và progestin) được FDA chấp nhận sử dụng cho bệnh nhân nữ mắc bệnh trứng cá nhờ vào tác dụng ức chế nồng độ testosterone (là một loại nội tiết androgen) trong cơ thể, dẫn đến lượng dầu sản xuất bởi tuyến bã giảm xuống, hạn chế nguy cơ gây ra mụn.
Tuy nhiên khó có thể quan sát thấy hiệu quả của thuốc trong thời gian ngắn, chính vì vậy cần phải phối hợp với các thuốc điều trị trứng cá khác trong thời gian đầu. Thuốc cũng mang lại nhiều tác dụng phụ như tăng cân, nôn, căng tức tuyến vú hoặc tăng nguy cơ tắc mạch. Ngoài ra thuốc tránh thai đường uống còn có chống chỉ định với người bị các bệnh về gan, thận hay mắc bệnh tiểu đường, các bệnh về tim mạch hay mạch máu, bệnh ung thư... Vì vậy, bạn nên đưa cháu đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị triệt để, chứ không nên tự ý dùng thuốc.
Khi da bị mụn, bạn cũng nên hướng dẫn cháu tiến hành chăm sóc da tại nhà, bằng cách rửa mặt với các chất tẩy rửa dịu nhẹ hai lần/ngày. Tránh các chất kích ứng da, không nên cọ xát da thường xuyên. Sử dụng các mỹ phẩm kiểm soát dầu để giảm bớt lượng dầu trên da. Tránh nắng, tránh sờ nắn nhiều vùng da tổn thương hoặc tự nặn mụn trứng cá vì nguy cơ nhiễm trùng cũng như để lại sẹo trên da.