Trong dịp Tết đến, Xuân về, rượu bia là thức uống gần như không thể thiếu. Chén rượu trong dịp Tết còn là cách mọi người chia sẻ những niềm vui và chúc nhau một năm mới thịnh vượng, an khang. Đây là lý do tại sao Việt Nam trở thành nước đứng thứ 3 khu vực châu Á về tiêu thụ rượu bia, đặc biệt tăng lên đáng kể trong ngày Tết.
1. Tác hại khi 'quá chén'
- Gây tổn thương gan: Gan thực hiện chức năng loại bỏ độc tố cùng các chất có hại khác (bao gồm cả rượu bia) ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, thói quen uống nhiều rượu bia về lâu dài sẽ gây cản trở quá trình này, làm tăng nguy cơ mắc viêm gan mạn tính và bệnh gan liên quan đến rượu.
- Gây hại cho hệ thống tiêu hóa: Các chất gây hại từ đồ uống có cồn này sẽ làm hỏng mô, cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ vitamin, dưỡng chất đúng cách. Đi kèm với đó là hàng loạt các triệu chứng nghiêm trọng khác như: Đầy bụng, tiêu chảy, uống bia rượu làm cho triệu chứng bệnh trĩ xuất hiện (đi ngoài ra máu, đau, ngứa vùng hậu môn…).
- Làm suy yếu hệ thống miễn dịch: Việc tiêu thụ nhiều rượu bia có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus.
- Ngộ độc rượu: Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Không những thế, tình trạng sử dụng rượu bia trong những ngày Tết kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông, các vụ án mạng, bạo lực... Uống bia rượu khiến người đó không kiểm soát được nhận thức và hành vi, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn và hay ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện dễ tự gây tai nạn hoặc gây tai nạn cho các phương tiện khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các thương tật nặng nề, cái chết đau lòng cho những người tham gia giao thông và cả chính mình.
2. Rượu chuyển hóa trong cơ thể như thế nào?
Tất cả các loại bia, rượu, nước giải khát có cồn, rượu nếp truyền thống, cuốc lủi, rượu thuốc… đều là sản phẩm có chứa rượu etylic tên khoa học là ethanol. Các thành phần khác trong rượu sẽ tạo ra màu sắc, hương thơm, mùi vị… đặc trưng cho từng loại rượu.
Rượu bia và tất cả các thức uống có cồn nói chung được đánh giá "độ rượu" dựa vào nồng độ ethanol (tính theo đơn vị gam) có trong 100 ml thức uống đó. Ví dụ: rượu 40 độ nghĩa là có 40 gam ethanol trong 100 ml rượu.
Sau khi được uống vào, rượu được hấp thu nhanh vào đường tiêu hoá, trong đó 20% ở dạ dày, gần 80% xuống ruột non và đi vào máu. Một lượng nhỏ rượu được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu. Chuyển hóa rượu xảy ra chủ yếu ở gan. Dưới tác dụng của enzym ADH, ethanol chuyển thành acetaldehyde, đây chính là chất gây độc cho cơ thể. Sau đó, dưới tác dụng của các enzym, quá trình oxy hoá giúp acetaldehyde biến thành acid acetic. Acid acetic phân huỷ thành CO2 và năng lượng. Tốc độ chuyển hoá của gan khoảng 1g ethanol/10kg cân nặng/1 giờ.
3. Thuốc giải rượu có thực sự tác dụng?
Sau khi uống rượu, nhiều người có thói quen dùng 'thuốc giải rượu' để làm giảm các triệu chứng do rượu mang lại. Thực chất, các chất này có tác dụng hỗ trợ trong quá trình chuyển hóa rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước, chứ không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại.
Trong y học, một loại thuốc có tác dụng ngược lại với loại khác được gọi là chất đối kháng, giải độc (antidote). Ví dụ đối kháng với các axít là các chất kiềm; chất đối kháng, chất giải độc với thuốc trừ sâu phospho hữu cơ là atropin và PAM; chất giải độc với kim loại nặng là EDTA và BAL; chất đối kháng với ethanol là tinh chất caffein chiết từ hạt cà phê. Nhưng tác dụng của caffein cũng hạn chế và thuốc chỉ dùng ở các cơ sở y tế chứ không thể dùng tràn lan tại nhà.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều thuốc được giới thiệu là 'thuốc giải rượu'. Thực chất đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, acid glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hoá rượu. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh những 'thuốc' này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu, hoặc làm mất trạng thái say xỉn.
Khi dùng ở liều lượng cho phép, các loại thuốc có thể giúp người dùng giảm nhức đầu, sốt, đau nhức, dễ chịu. Nhưng nếu như dùng thuốc giải rượu thường xuyên hay quá liều thì lại gây ra phản ứng ngược, dẫn tới tăng các men gan (AST, ALT, gamma-GT). Đồng thời làm giảm đi các chất có chức năng bảo vệ gan, tăng tổng hợp acid béo và triglyceride trong tế bào gan khiến cho tình trạng gan nhiễm mỡ tăng cao; hoại tử tế bào gan; viêm loét đường tiêu hóa và tử vong do thuốc giải rượu giữ lại lượng cồn trong ruột mà gan không thể lọc chất độc kịp thời.
Thực tế, có người uống rượu nhiều thường bị nhức đầu, do đó đã lựa chọn dùng thuốc aspirin hoặc paracetamol trước hoặc sau khi uống rượu để hết nhức đầu, giúp người uống rượu dễ chịu hơn. Tuy nhiên, paracetamol là thuốc có một độc tính gây hại gan. Dùng paracetamol liều cao, lâu ngày có thể làm gan nhiễm độc, làm hoại tử tế bào gan.
Do đó, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào được cho là giải rượu nhanh hay giảm triệu chứng của say xỉn, người dùng không nên tự ý sử dụng, càng không nên lạm dụng. Thay vào đó cần tìm hiểu kỹ loại thuốc và chỉ định. Đồng thời nên ưu tiên sử dụng một số phương pháp dân gian để giải rượu hiệu quả và an toàn.
4. Một số phương pháp giải rượu an toàn
- Uống lượng vừa phải: Theo đó, nếu phải uống rượu thì tốt nhất nên uống với liều lượng vừa phải, dừng đúng lúc. Không nên uống rượu bia hằng ngày và sau khi say nên nằm nghỉ ngơi, sử dụng một số loại nước dân gian như nước chanh, nước sắn dây để giải rượu hiệu quả.
- Nước sắn dây: Dùng sắn dây để giải rượu rất tốt mà đem lại hiệu quả cao, bởi sắn dây có vị ngọt, tính bình do vậy khi sử dụng sẽ giúp giải cơ, làm ra mồ hôi nhiều cũng như giải độc. Lấy nước sôi để nguội bỏ thêm một ít bột sắn dây và ít muối, khuấy đều rồi uống giải rượu.
- Đừng để dạ dày trống: Rượu hấp thu nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ trống của dạ dày. Càng đói thì tốc độ hấp thu của rượu càng nhanh hơn, làm mau say hơn lúc no bụng. Do đó, ăn nhanh trước khi uống, nhất là thức ăn có dầu mỡ, sẽ làm tăng lượng enzyme chuyển hóa và giảm hấp thu rượu nên làm chậm say hơn.
Dùng những món ăn giúp làm chậm nhu động ruột, làm giảm tốc độ hấp thu như canh chua, cay, dưa muối, nước chanh..
- Tăng lượng rượu thoát ra theo đường hô hấp: Thường khoảng 10% rượu được thở ra ngoài. Thở sâu, ca hát, nói nhiều… cũng làm giảm nồng độ cồn trong máu.
5. Lời khuyên từ bác sĩ
Nhiều 'thuốc giải rượu' có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, thành phần thuốc không rõ ràng, nên một trong những thành phần của thuốc uống vào có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng cho người sử dụng.
'Thuốc giải rượu' không hề bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu bia mà còn làm tăng gánh nặng cho gan, tăng nguy cơ gây suy gan cấp.
Càng uống nhiều rượu bia thì càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và không có 'thần dược' nào giúp uống rượu mà không say. Vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ, tốt nhất chúng ta không dùng rượu bia, còn nếu dùng thì phải có kiểm soát và uống trong giới hạn cho phép.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 lợi ích của việc cắt bỏ đường | SKĐS