Có nên uống sấu ngâm đường thường xuyên?

22-09-2024 11:28 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Sấu ngâm đường là loại thức uống quen thuộc, được sử dụng quanh năm nhưng liệu uống thường xuyên hay uống nhiều lượt trong ngày có tốt cho sức khỏe không?

Sấu có tên khoa học là Dracontomelum duperreanum P., thuộc họ đào lộn hột Anacardiaceae. Sấu còn có tên gọi khác là nhân diện tử, sấu trắng, sấu tía, mak củ (Thái), mak chủ (Tày). 

Cây sấu ưa trồng ở nơi đất pha cát, mùa xuân ra hoa, mùa hạ kết quả, mùa thu quả chín. Quả hạch hình cầu, hơi dẹt, đường kính độ 2cm, vỏ màu vàng sẫm, thịt vị chua, trong có hột cứng, nom giống mặt người, nên người ta gọi là nhân diện tử.

Bộ phận dùng là quả sấu. Quả sấu vị ngọt, tính bình (chín), có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giải độc, giải say rượu, phong độc; chủ trị nôn mửa ở phụ nữ có thai và tiêu hóa kém.

1. Món ăn, thức uống có quả sấu

- Trị phụ nữ nôn nghén: Quả sấu, cá diếc, thịt vịt với lượng đủ dùng và nấu dạng canh chua để ăn.

- Làm ngon miệng, tăng cường tiêu hóa, giải say rượu, phong độc: Quả sấu sử dụng lượng vừa phải để nấu canh chua ăn.

image-cach-nau-canh-sau-chua-ngon-chuan-vi-bac-164980279028206

Quả sấu nấu canh chua giúp tăng cường tiêu hóa.

2. Ai không nên ăn sấu?

- Quả sấu xanh rất chua nên những người mắc bệnh lý dạ dày tá tràng nên tránh ăn trực tiếp hoặc sử dụng các đồ uống, món ăn có nhiều sấu. 

- Khi đang đói cũng không nên ăn quả sấu bởi lượng axit trong sấu sẽ gây sẽ hại dạ dày và cồn cào.

- Trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng quả sấu vì hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.

3. Uống sấu ngâm đường có tốt không?

Quả sấu ngâm đường hay quả sấu ngâm muối là những cách bảo quản giúp lưu trữ sấu để dùng lâu hơn, nhưng đây cũng là thức uống hấp dẫn để giải nhiệt cơ thể.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng hay uống quá nhiều nước sấu ngâm đường sẽ vô tình đưa vào cơ thể lượng đường quá nhiều, khiến tụy phải làm việc nhiều hơn để giải phóng insulin, điều chỉnh lượng đường huyết cho phù hợp.

Tình trạng này kéo dài sẽ khiến chức năng tụy suy giảm, gây tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như béo phì, đái tháo đường, tim mạch...  

Chính vì vậy, những trường hợp bị thừa cân, đái tháo đường... nên hạn chế sử dụng sấu ngâm đường. Những trường hợp khác cũng không nên uống nhiều hơn 2-3 cốc/ngày.

Mời bạn xem tiếp video:

Nhóm người này được khuyến cáo không nên ăn quả sấu dù rất nhiều công dụng | SKĐS


Lương y Bùi Đắc Sáng
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội
Ý kiến của bạn