Có nên uống rượu khi đang điều trị đái tháo đường?

17-05-2021 13:58 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi năm nay 65 tuổi, bị đái tháo đường và được bác sĩ kê đơn thuốc tiêm insulin. Tuy nhiên, tôi vẫn thường uống 1-2 chén rượu thuốc trong mỗi bữa ăn. Xin hỏi, việc uống rượu có ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh không?

Đỗ Văn Cường  (Hải Dương)

Bác Cường thân mến! Việc uống rượu bia ở bệnh nhân đái tháo đường thường không được khuyến cáo. Rượu, bia ức chế hình thành glycogen ở gan và có thể làm hạ đường huyết ở bệnh nhân đang dùng insulin hoặc thuốc làm hạ đường huyết. Loại rượu có đường có thể làm tăng đường huyết. Vì vậy, nếu người bị bệnh đái tháo đường uống nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể làm bệnh nặng thêm.

Việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường rất quan trọng. Với những bệnh nhân mà việc kiểm soát mức đường huyết khó, việc sử dụng thuốc điều trị cùng rượu có khả năng làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng do làm rối loạn nồng độ glucose trong máu tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân. Ngoài ra, việc sử dụng rượu hoặc thức uống có cồn trong thời gian dài ở bệnh nhân đái tháo đường, có chế độ dinh dưỡng tốt, vẫn có nguy cơ làm tăng lượng glucose huyết. Trong khi đó, với bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng kém, uống rượu lúc đói có thể dẫn đến tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng với các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, nhịp tim nhanh...

Nếu đang tiêm insulin mà uống rượu (nhưng lại không ăn, ăn ít hoặc bị nôn), bệnh nhân sẽ rất dễ bị hạ đường máu. Nếu đang tiêm insulin và trong ngày có uống rượu, phải thử đường máu trước khi đi ngủ. Nếu kết quả dưới 7mmol/l thì nên ăn thêm. Nếu không thử được, nên ăn thêm đồ ăn có tinh bột để tránh nguy cơ hạ đường máu vào lúc nửa đêm.

Tốt nhất, bác nên trao đổi cụ thể tình trạng của mình với bác sĩ điều trị để nhận được lời khuyên cụ thể cho sức khỏe của mình.


DS. Kim Cúc
Ý kiến của bạn