Có nên uống nước chứa chất điện giải thường xuyên?

25-01-2024 09:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Chất điện giải rất quan trọng với sức khỏe con người. Tuy nhiên, có nên uống thường xuyên loại nước có chứa chất điện giải không?

Hệ lụy khi thiếu nước và chất điện giảiHệ lụy khi thiếu nước và chất điện giải

SKĐS - Ai cũng biết nước là điều kiện cốt yếu của sự sống. Con người có thể nhịn đói 7 ngày nhưng nhịn uống nước trong 7 ngày là không thể.

1. Chất điện giải là gì?

Chất điện giải là những khoáng chất thiết yếu như natri, kali, clorua, canxi, magiê… có thể hòa tan trong dịch cơ thể tạo ra các ion tích điện. Các chất điện giải có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, thúc đẩy các cơ hoạt động và các quá trình khác của cở thể dễ dàng và hiệu quả hơn.

Cơ thể cần chất điện giải vì nhiều lý do:

- Giúp các dây thần kinh hoạt động, thở, kiểm soát huyết áp, hình thành xương, duy trì cân bằng độ pH thích hợp và tạo ra protein trong tế bào.

- Cần thiết để duy trì đủ lượng nước cho tế bào với sự cân bằng chất lỏng thích hợp.

Cơ thể rất dễ mất chất điện giải qua nước tiểu, máu và mồ hôi. Nếu mất quá nhiều hoặc dư thừa sẽ gây ra các rối loạn... 

Nước chứa chất điện giải có nhiều tác dụng trong: Bổ sung lượng muối bị mất, cân bằng nồng độ kiềm và axit trong cơ thể, thải độc tố, cân bằng độ pH của cơ thể, phòng tránh tình trạng mất nước, giúp da được duy trì độ ẩm, mềm mại… 

Trong thể thao, nước điện giải còn giúp bù các chất điện giải bị mất khi tập luyện, nước điện giải còn giúp phòng ngừa những vấn đề về xương khớp và hạn chế chấn thương.

Có nên uống nước chứa chất điện giải thường xuyên?- Ảnh 2.

Trong thể thao, nước chứa chất điện giải còn giúp bù các chất điện giải bị mất khi tập luyện...

2. Có cần uống chất điện giải không?

Thông thường, cơ thể sẽ tự thích ứng mà không cần phải bổ sung thêm chất điện giải. Đa số mọi người đều nhận đủ lượng chất điện giải cần thiết thông qua chế độ ăn uống. Các loại trái cây, rau, hạt, quả hạch và phô mai… đều chứa các chất điện giải cần thiết. 

Tuy nhiên, một số trường hợp sau cần bổ sung thêm chất điện giải:

- Những người tập luyện sức bền kéo dài (như chạy marathon) cần uống điện giải để bù lại lượng điện giải bị mất do đổ mồ hôi quá nhiều.

- Những người bị sốt cao, nôn mửa và tiêu chảy nặng...

Có nên uống nước chứa chất điện giải thường xuyên?- Ảnh 3.

Chất điện giải có nhiều trong thực phẩm hàng ngày.

3. Mối nguy khi lạm dụng chất điện giải

Với người có sức khỏe bình thường, việc uống chất điện giải thường xuyên không gây nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể nguy hiểm khi lạm dụng chất điện giải:

- Những người mắc bệnh thận hoặc bị suy giảm chức năng thận.

- Những người bị tăng huyết áp: Việc uống chất điện giải có thể làm tăng khả năng giữ nước khiến huyết áp tăng. 

Việc bổ sung quá nhiều chất điện giải có thể gây:

- Quá nhiều kali, natri cũng có thể gây ra nhịp tim bất thường, tăng huyết áp, suy tim… thậm chí tử vong.

- Nồng độ kiềm trong cơ thể vượt quá mức tiêu chuẩn gây ảnh hưởng đến hoạt động của các vi khuẩn có lợi trong cơ thể, làm hỏng các axit tự nhiên trong dạ dày, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đường tiêu hóa.

- Tính kiềm trong cơ thể quá cao còn có thể ảnh hưởng đến làn da.

Các dấu hiệu cho thấy bạn có quá nhiều chất điện giải trong cơ thể bao gồm: 

- Mệt mỏi.

- Đau cơ và chuột rút.

- Buồn nôn.

- Nôn mửa.

- Chóng mặt.

- Khó thở.

4. Cần lưu ý gì khi uống nước điện giải

Nước điện giải có nhiều tác dụng tốt nhưng không phải là loại nước thông thường, do đó, khi uống cần lưu ý:

- Cần uống theo chỉ định của bác sĩ.

- Không uống quá nhiều nước chứa chất điện giải.

- Không nên dùng quá nhiều các loại nước điện giải đóng chai vì những sản phẩm này có thể chứa nhiều chất bảo quản và gas.

- Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào như chóng mặt, khó thở hoặc nhịp tim không đều… sau khi uống quá nhiều chất điện giải cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cách đối phó với cơn đau dạ dày ngày Tết.

BS.Đặng Xuân Thắng
Ý kiến của bạn