Có nên uống nhiều loại vitamin?

18-12-2015 08:17 | Dược
google news

SKĐS - Vitamin là các chất dinh dưỡng không được cơ thể tổng hợp hoặc tổng hợp không đầy đủ, vì vậy cần được cung cấp từ các loại thực phẩm ăn uống hằng ngày.

Nếu hằng ngày ta ăn uống đầy đủ chất thì không sợ thiếu vitamin. Tuy nhiên, một số đối tượng có khi phải dùng thuốc bổ sung vitamin.

Vitamin là các chất dinh dưỡng không được cơ thể tổng hợp hoặc tổng hợp không đầy đủ, vì vậy cần được cung cấp từ các loại thực phẩm ăn uống hằng ngày. Có 13 loại vitamin cần được cung cấp, gồm 4 vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) và 9 vitamin tan trong nước (vitamin A và các vitamin nhóm B: B1, B6, B12, biotin, acid folic…). Nếu hằng ngày ta ăn uống đầy đủ chất thì không sợ thiếu vitamin. Tuy nhiên, có một số đối tượng có khi phải dùng thuốc bổ sung vitamin, đó là: người mới khỏi bệnh, người bị suy nhược do làm việc quá mức, người ăn kiêng quá đáng, trẻ con đang lớn và phát triển chậm, phụ nữ có thai và cho con bú, người hút thuốc lá hoặc uống rượu quá nhiều…

Ngoại trừ vài trường hợp thiếu một loại vitamin có thể thuộc loại nặng như người nghiện rượu thiếu vitamin B1 gây viêm dây thần kinh ngoại biên, trẻ sơ sinh thiếu vitamin K gây xuất huyết, trẻ thiếu vitamin A gây chậm phát triển, khô mắt dẫn đến mù lòa, còn đa số thường thiếu nhiều loại vitamin và thuộc loại nhẹ. Vì vậy, khi cần bổ sung vitamin có khuyến cáo nên bổ sung nhiều loại vitamin.

Thuốc kết hợp vitamin và chất khoáng

Ngoài chứa nhiều loại vitamin, có nhiều chế phẩm chứa nhiều loại vitamin và chất khoáng. Về chất khoáng, có loại cần được cung cấp số lượng lớn (canxi, phosphor, natri, kali…), có loại cần được cung cấp số lượng rất nhỏ gọi là các nguyên tố vi lượng (kẽm, selen, iod, sắt…). Cũng giống như vitamin, hằng ngày ta được cung cấp chất khoáng nhờ thực phẩm. Nếu hằng ngày ta ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ thì cũng không sợ thiếu cả vitamin và chất khoáng.

Thuốc kết hợp vitamin, chất khoáng và các chất bổ khác

Các thuốc loại này thường được gọi chung là thuốc bổ. Để hấp dẫn cũng như đáp ứng một số trị liệu, nhiều thuốc bổ hiện nay không chỉ chứa vitamin và chất khoáng mà còn kết hợp chứa thêm một số chất bổ khác như có thể kể như sau:

Các acid amin: hằng ngày cơ thể ta cần được cung cấp đầy đủ các acid amin thông qua việc tiêu hóa, chuyển hóa chất đạm (tức loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa, đậu ta ăn hằng ngày). Thuốc bổ chứa các acid amin, đặc biệt các acid amin gọi là thiết yếu, nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho một số người có nguy cơ bị thiếu do bệnh hoặc do ăn thiếu chất.

Tinh chất nhân sâm: nhân sâm là vị thuốc bổ dùng lâu đời trong Đông y và nay Tây y đã dày công nghiên cứu nhiều. Thuốc chứa nhân sâm thường được các vị cao tuổi ưa chuộng.

Các chất hướng gan: đó là các chất giúp bảo vệ nhu mô gan, làm cho hoạt động giải độc cho gan tốt như: lecithin, methionin, cholin, betain, inositol, một số hợp chất flavonoid có trong dược thảo…

Các chất bổ khác như: mầm lúa mạch, tế bào men (Sacchromyces cerevisae)…

Chất kích thích sự thèm ăn: lysin (một acid amin, thường kết hợp với chất khoáng sắt dùng làm thuốc bổ cho trẻ)), carnitin (dẫn chất acid amin), dibencozid (dẫn chất vitamin B12, dùng làm thuốc giúp thèm ăn ở người cao tuổi).

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc bổ?

Không lạm dụng thuốc vitamin, vì có khuyến cáo: nếu bổ sung chỉ nên dùng liều vitamin và chất khoáng trong khoảng 50 - 150% RDA (Recommended Dietary Allowances, liều được khuyến nghị dùng hằng ngày, thí dụ RDA của vitamin C là 60mg/ngày). Riêng vitamin A, D tuyệt đối không được quá liều (thuốc bổ đa sinh tố chứa 5.000 IU vitamin A và 400 IU vitamin D chỉ uống 1 ngày 1 viên). Đối với phụ nữ có thai, dùng liều quá cao vitamin A có nguy cơ sinh quái thai, còn trẻ con nếu dùng thừa vitamin A sẽ bị tăng áp lực sọ não làm lồi thóp rất nguy hiểm. Còn dùng vitamin C liều cao quá (quá 1.000mg/ngày) có nguy cơ bị tiêu chảy, loét đường tiêu hóa (nếu uống vào lúc bụng trống), bị sỏi thận oxalat.

Thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng thường được trình bày dạng viên sủi bọt chứa ion natri (do chứa natri carbonat giúp thuốc sủi bọt), người kiêng muối, thực chất kiêng natri, phải lưu ý vì dùng thuốc nhiều sẽ hấp thu nhiều natri không có lợi (nhất là người đang điều trị bệnh tăng huyết áp, uống thuốc dạng sủi bọt có thể bị tăng vọt huyết áp rất nguy hiểm).

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

ĐH Y Dược TP.HCM


Ý kiến của bạn