Có nên tự đem sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng?
Ngày 7/4, anh Quách Thanh Lâm (người đem kẹo rau củ Kera đi kiểm định chất lượng) đã bất ngờ lên tiếng xin lỗi và mong mọi người không làm giống mình. Sau khi nghe chia sẻ của một chuyên gia truyền thông, anh Lâm nhận ra mình làm sai quy trình khi tự mang kẹo rau củ Kera đi kiểm định và công bố kết quả trên mạng xã hội.
Theo Điều 45 Luật An toàn thực phẩm, người tiêu dùng phải có khiếu nại, khiếu kiện trước rồi mới yêu cầu cơ quan chức năng kiểm nghiệm thực phẩm. Nếu nghi ngờ có sai phạm, đơn vị liên quan sẽ tiến hành điều tra và kết luận. Việc cá nhân tự mang sản phẩm đi xét nghiệm và công bố trên mạng xã hội có thể đẩy họ vào rủi ro pháp lý.

Kẹo rau củ Kera bị phát hiện có nhiều thành phần không giống như công bố trên tem nhãn.
Bên cạnh đó, khi nghi ngờ chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng có quyền tự bỏ tiền kiểm định, song không được đưa kết quả lên mạng xã hội hay kết luận về sản phẩm.
Trước đó vào tháng 2, anh Lâm thấy sản phẩm kẹo rau củ Kera của Công ty Chị Em Rọt quảng cáo trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội với những câu giới thiệu hấp dẫn như "một viên kẹo bằng đĩa rau".
Anh Lâm đặt mua thử loại kẹo này nhưng khi xem trực tiếp anh thấy bất ổn: Một sản phẩm quảng cáo bổ sung chất xơ lại không thể hiện hàm lượng chất xơ trên bao bì? Để làm rõ, nam TikToker đã có 4-5 video chỉ xoay quanh đúng câu hỏi này tới nhà sản xuất nhưng suốt 3 tuần không được trả lời nên đã mang sản phẩm đi xét nghiệm và công bố kết quả trên trang cá nhân.
Ngay sau khi clip của anh Lâm được đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người dùng đã đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong quảng cáo về sản phẩm kẹo rau củ Kera.
Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích, pháp luật hiện không có quy định cấm một cá nhân mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định, tổ chức đánh giá, kiểm định sản phẩm, hàng hóa là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố, áp dụng.
Theo Điều 19 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức có quyền cung cấp kết quả thử nghiệm cho đối tượng được đánh giá sự phù hợp tương ứng. Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho bên thứ ba, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp theo quy định.
Như vậy, khi nhận thấy sản phẩm, hàng hóa mình mua không an toàn, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu tổ chức có chức năng thử nghiệm, giám định, kiểm định chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở hợp đồng. Kết quả thử nghiệm, giám định, kiểm định là cơ sở pháp lý để người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ của mình theo khoản 4, 5 điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Một kết quả kiểm nghiệm được công bố rộng rãi nếu kết quả thử nghiệm tốt sẽ là cơ sở để tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Nếu kết quả thử nghiệm được công bố cho thấy sản phẩm không tốt, không đáp ứng chỉ tiêu chất lượng đây sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra sản phẩm nếu thấy có dấu hiệu vi phạm chất lượng", Luật sư Hùng nói.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần nhìn nhận một cách khách quan kết quả kiểm nghiệm. Bởi kết quả kiểm nghiệm thường chỉ đại diện cho một mẫu thử nghiệm để cho ra kết quả đó chứ không mang tính đại diện, bao quát cho tất cả sản phẩm. Khi đó, việc công bố kết quả kiểm nghiệm lên mạng xã hội sẽ giống như "con dao hai lưỡi" khi nó có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về bản chất của kiểm nghiệm.
Nhận diện các yếu tố chính xác trên bao bì sản phẩm
PGS.TS Phạm Văn Nho, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trên thực tế, nhiều sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm nhưng khi công bố trên tem nhãn, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.
Tên thực phẩm phải đặt ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chứ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa. Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa. Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.
Phải ghi thành phần là ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra thực phẩm và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn thực phẩm để gây sự chú ý đối với thực phẩm thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.
Đối với thực phẩm phải ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng. Đối với thực phẩm ghi giá trị dinh dưỡng thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thể hiện giá trị dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa bảo đảm thể hiện khoảng giá trị dinh dưỡng tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp thể hiện một giá trị cụ thể thì ghi giá trị trung bình của khoảng giá trị dinh dưỡng.
Đối với thực phẩm thủy sản nếu bổ sung nguyên liệu khác, phụ gia thực phẩm thì ghi thêm thành phần định lượng của nguyên liệu khác, phụ gia thực phẩm tương ứng.
Chuyên gia khuyên, khi mua hàng, người dùng nên chú ý đến các yếu tố khác như kiểm tra hóa đơn chứng từ, tem chống hàng giả, thông tin nhãn phụ bằng tiếng việt đối với hàng hóa nhập khẩu, hình thức sản phẩm, độ bóng, đẹp, sắc cạnh của các đường viền, logo, vỏ bao bì, nội dung, bố cục, thông tin sản phẩm phải được ghi chi tiết, rõ ràng.
Việc xác minh thông tin về sản phẩm rất quan trọng trước khi sử dụng sản phẩm. Hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng đi theo con đường chính ngách luôn là sự lựa chọn tốt nhất đối với người tiêu dùng. Hạn chế được nguy cơ sử dụng phải hàng giả hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng cá nhân.
Việc xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm (nhập từ nơi nào, có uy tín và đảm bảo chất lượng hay không), kết quả kiểm nghiệm do cơ quan chức năng tiến hành kiểm định là rất quan trọng. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ trước khi tin tưởng vào các thông tin chưa được kiểm chứng đầy đủ. Đồng thời, các cá nhân và tổ chức cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi chia sẻ thông tin liên quan đến sức khỏe cộng đồng.