1. Cảnh báo chủ quan với COVID-19 ở trẻ
Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, mối quan tâm về nhiễm bệnh ở trẻ em trong các gia đình vẫn chia hai thái cực. Một là quá hoang mang, hai là quá chủ quan. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do phụ huynh bị nhiễu thông tin về dịch bệnh.
Ở thái cự nào cũng không tốt: Nếu lo lắng thái quá sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý sinh hoạt hằng ngày. Nếu chủ quan quá mức sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta nên nhìn nhận và lựa chọn thông tin để bình tĩnh xử trí các tính huống trước dịch. Với tâm lý chủ quan thì nguy hiểm hơn, vì sẽ dẫn đến các hành động không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch cho trẻ.
Tâm lý chủ quan là do các gia đình tiếp nhận thông tin trên báo chí, các trang mạng xã hội, là dịch COVID-19 không ảnh hưởng nhiều đến trẻ, do trẻ nếu nhiễm bệnh thì cũng không có triệu chứng nặng.
Tất nhiên, với trẻ em nhiễm COVID-19, trong các thống kê, thì ít các ca biến chứng nặng hơn so với người lớn, nhưng không phải là không thể có biến chứng nặng xảy ra. Vẫn còn đó những xác xuất trẻ tử vong do COVID-19, mà nếu không may xảy ra với trẻ nào, thì đó chính là nỗi đau của cả gia đình đứa trẻ và ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch nói chung.
2. Vậy trẻ có nguy cơ trở nặng khi nhiễm COVID-19 thế nào?
Nguy cơ nặng của trẻ nhiễm COVID-19 trong giai đoạn cấp tính trong 2 tuần đầu. Trong một nghiên cứu được đăng tải trên trang của Trung tâm thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI) cho thấy: Từ 7.480 trẻ em dưới 18 tuổi, được khẳng định nhiễm COVID-19 trên xét nghiệm. Những thông tin về triệu chứng và mức độ nặng của bệnh được ghi nhận trên 1.475 trẻ. Trong số này, 15% không triệu chứng, 42 % triệu chứng nhẹ, 39 % triệu chứng trung bình và 2% bệnh nặng (khó thở, tím trung tâm, hạ oxy máu), 0.7 % nguy kịch (suy hô hấp cấp, sốc…) có 6 ca tử vong trong dân số được nghiên cứu. Bệnh trở nặng thường rơi vào ngày 4-8 của đợt bệnh.
Như vậy, cứ 1.000 trẻ nhiễm COVID-19 sẽ có 20 trẻ bệnh nặng và 7 trẻ nguy kịch. Tất nhiên những trẻ có diễn biến bệnh nặng, nguy kịch thậm chí tử vong sẽ nằm trong nhóm trẻ nguy cơ cao: Béo phì, ung thư, suy thận, suy giảm miễn dịch… là chủ yếu.
Đây là lý do chúng ta không thể chủ quan đối với COVID-19, bởi không chỉ bảo vệ trẻ khỏe mạnh khỏi COVID-19, mà còn phải bảo vệ những trẻ không may có sức khỏe không tốt, dễ bị tổn thương trước bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, trong đó có COVID-19.
3. Sau nhiễm COVID-19, trẻ có bị di chứng gì không?
Về ngắn hạn, 2-6 tuần sau khi nhiễm COVID-19 (tính từ ngày xét nghiệm có kết quả âm tính), một tỉ lệ hiếm gặp trẻ mắc hội chứng MIS-C (viêm đa cơ quan). Mặc dù tỉ lệ cụ thể còn chưa được rõ trên diện rộng, nhưng một báo cáo tại New York cho thấy tỉ lệ này là 2/100.000 trẻ. Hội chứng này có thể gây tử vong cho trẻ.
Trẻ sẽ có sốt dai dẳng trên 3 ngày và cũng có triệu chứng viêm ở một loạt các cơ quan khác. Ví dụ trên hệ tiêu hóa, trẻ có ói mửa, đau bụng, tiêu chảy. Trên hệ tuần hoàn, trẻ có thể bị hạ huyết áp, chóng mặt. Trên hệ thần kinh, trẻ giảm nhận thức. Trên da có thể xuất hiện phát ban; niêm mạc mắt đỏ; phù tay chân... kèm theo các rối loạn viêm, đông máu trên xét nghiệm. Hội chứng MIS-C nếu không được chẩn đoán tốt có thể nhầm lẫn với bệnh Kawasaki, dẫn đến hướng sai trong điều trị.
Về dài hạn, do số lượng trẻ nhiễm COVID-19 chưa đủ nhiều, cũng như thời gian xuất hiện COVID-19 chưa đủ dài (chưa tới 3 năm), nên có số liệu để đánh giá di chứng lâu dài sau nhiều năm. Nhưng ở người lớn, người ta đã thấy có những di chứng hậu COVID-19: Tăng nguy cơ biến cố tim mạch, giảm trí nhớ... Do đó, về hậu quả dài hạn ở trẻ em, cần chờ đợi thêm thông tin từ các nhà khoa học.
4. Trẻ nào nhiễm COVID-19 có nguy cơ bệnh nặng cần theo dõi sát?
- Trẻ dưới 12 tháng.
- Trẻ đẻ non, cân nặng thấp.
- Trẻ bị thừa cân, béo phì.
- Trẻ mắc các bệnh mạn tính: Đái tháo đường, hen phế quản, ung thư, bệnh thận, tim mạch...
- Trẻ đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
5. Chích ngừa vaccine COVID-19 cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Hiện nay, dù chiến dịch tiêm chủng cho trẻ đang được triển khai đồng loạt, nhưng vẫn rất nhiều phụ huynh thắc mắc có nên chích ngừa vaccine phòng COVID-19 cho trẻ không? Vì họ cho rằng COVID-19 ở trẻ em rất nhẹ, nhanh khỏi nên từ chối chích ngừa.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, mặc dù đa số trẻ em nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn còn đó số trẻ nguy kịch, tử vong và nguy cơ để lại hậu quả lâu dài.
- Thứ nhất, những nguy cơ tiềm ẩn như hội chứng MIS-C dù rất thấp (cứ 100.000 trẻ có khoảng 2 trẻ bị MIS-C), nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra. Và cũng không có nghĩa là phải đợi đến khi nước ta có đủ 100.000 trẻ nhiễm COVID-19 thì mới 2 có trẻ bị MIS-C. MIC-S có thể xuất hiện ngay bây giờ, thậm chí ngay từ ca đầu tiên.
Trong thống kê đơn thuần, con số 2/100.000 có thể là rất nhỏ, có thể bỏ qua. Nhưng nếu xác suất đó không may rơi vào con của bạn thì sao?
- Thứ hai, khi trẻ bị mắc, có thể lây cho nhiều người khác trong đó có những người yếu hơn (trẻ có bệnh nền, người già…) vì trẻ con ý thức giữ gìn, chống lây lan cho người khác không bằng người lớn. Khi bệnh lây cho đối tượng yếu thế thì tỉ lệ tử vong tăng lên.
- Thứ 3, nếu không chích vaccine, khi số lượng trẻ mắc bệnh tăng quá cao, dẫn tới quá tải hệ thống bệnh nhi, khoa nhi, bác sĩ nhi (nên nhớ nhi khoa không phải là ngành mà nhân viên y tế nào cũng làm được).
Với những lý do như trên, đủ để các gia đình thấy việc lựa chọn cho con chích vaccine là rất cần thiết.
Mời độc giả xem thêm video:
Tiêm vaccine COVID-19- Vì sao trẻ em không nên vận động mạnh sau khi tiêm.