Có nên tiêm vaccine cúm cho trẻ em?

25-07-2022 15:49 | Vaccine

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) việc tiêm phòng vaccine cúm làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 – 80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80% – 90%. Số ca mắc cúm ở trẻ em mặc dù đang tăng nhanh ở nước ta nhưng ngành y tế chưa phát hiện chủng cúm có động lực cao.

Vaccine cúm là loại vaccine phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm. Tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm mang lại những lợi ích to lớn, giúp trẻ em và người lớn giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.

Vaccine cúm làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm và có hiệu lực bảo vệ lên tới 90%

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiêm phòng vaccine cúm làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 – 80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80% – 90%. Tỷ lệ này thay đổi phụ thuộc vào độ tuổi khi tiêm chủng, đáp ứng miễn dịch của từng người và mức độ giống nhau giữa thành phần virus trong vaccine được tiêm và chủng virus cúm hiện đang lưu hành.

Có nên tiêm vaccine cúm cho trẻ em?
 - Ảnh 1.

Tiêm vaccine cúm là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh trong mùa dịch. Ảnh minh hoạ

Vaccine cúm giúp bảo vệ cơ thể bằng cách kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu, chống lại chủng virus cúm đã được sử dụng để chế tạo vaccine. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus bằng cơ chế trung hòa virus, khi cơ thể tiếp xúc với cúm, từ đó giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu có bị mắc.

Tiêm vaccine cúm sau bao lâu thì có tác dụng?

Nhìn chung đáp ứng miễn dịch sẽ đạt được đầy đủ sau khi tiêm vaccine khoảng từ 2-3 tuần. Chính vì lý do này, nên tiến hành tiêm phòng ngừa vaccine cúm từ 2 tuần – 1 tháng trước lúc vào mùa dịch.

Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian (thường hiệu lực bảo vệ chỉ kéo dài khoảng 1 năm), và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác (do khả năng thay đổi liên tục cấu trúc kháng nguyên). Đó là lý do tại sao công thức vaccine phòng cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành và việc tiêm nhắc lại vaccine cúm hằng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất.

Vaccine cúm có những loại nào?

Dựa vào đặc điểm của virus cúm được sử dụng để bào chế vaccine, người ta chia vaccine cúm thành 2 nhóm chính:

-Vaccine cúm bất hoạt (inactivated influenza vaccine – IIV):  là loại vaccine được bào chế từ virus cúm đã bất hoạt, tức là virus cúm đã bị làm chết bằng nhiệt, tia xạ hoặc hóa chất. Mặc dù virus đã chết nhưng kháng nguyên vẫn còn và hệ miễn dịch vẫn hoạt động và sinh ra kháng thể kháng bệnh như bình thường.

-Vaccine cúm sống giảm độc lực (live attenuated nasal spray influenza vaccine – LAIV):  là loại vaccine có chứa virus đã làm giảm độc lực hoặc suy yếu để không thể gây bệnh.

Có nên tiêm vaccine cúm cho trẻ em?
 - Ảnh 2.

Dựa vào đặc điểm của chủng virus hoặc số chủng kháng nguyên virus có trong chế phẩm vaccine mà người ta chia vaccine cúm thành các nhóm khác nhau.

Dựa vào số chủng kháng nguyên virus có mặt trong chế phẩm vaccine, người ta chia vaccine cúm ra các nhóm:

-Vaccine tứ giá: vaccine chứa 4 chủng kháng nguyên virus cúm, thông thường là 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B.

Ví dụ: vaccine tứ giá Vaxigrip tetra hoặc Influvac phòng 4 chủng cúm gồm 2 chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria).

-Vaccine tam giá: vaccine chứa 3 chủng kháng nguyên virus cúm, thường là 2 chủng cúm A và 1 chủng cúm B.

Ví dụ: vaccine tam giá Vaxigrip phòng 3 chủng cúm gồm 2 chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và 1 chủng cúm B (Yamagata hoặc Victoria).

Khuyến nghị về việc tiêm vaccine cúm cho trẻ em trong mùa dịch

Trong mùa cúm 2021-2022, Hiệp hội Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) đưa ra các khuyến nghị liên quan đến vaccine cúm bao gồm:

-AAP khuyến nghị tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên trong mùa cúm 2021–2022.

-Đối với mùa cúm 2021–2022, AAP khuyến cáo rằng bất kỳ loại vaccine cúm nào được cấp phép, phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe đều có thể được sử dụng để tiêm phòng cho trẻ em. Vaccine cúm bất hoạt (IIV) và vaccine cúm sống giảm độc lực (LAIV) đều có thể lựa chọn cho những trẻ thích hợp với những loại vaccine này.

-AAP không ưu tiên bất kỳ sản phẩm vaccine  cúm nào; không có sản phẩm vaccine cúm nào được coi là tốt hơn, khuyên dùng hơn so với những loại còn lại. Các bác sĩ nhi khoa nên sử dụng bất kỳ sản phẩm nào sẵn có trong cộng đồng để đạt được mức độ bao phủ cao nhất có thể trong mùa cúm này.

-Trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi có thể chủng ngừa bất kỳ loại vaccine cúm bất hoạt (IIV) nào đã được cấp phép, phù hợp với lứa tuổi và sẵn có, với liều lượng thuốc được chỉ định phù hợp.

-Trẻ em từ 36 tháng (3 tuổi) trở lên nên tiêm một liều 0,5 ml  bất kỳ loại vaccine  nào đã được cấp phép, phù hợp với lứa tuổi và sẵn có.

- Khuyến cáo về số lần tiêm vaccine  cúm cho trẻ em trong mùa cúm 2021–2022 không thay đổi so với trước đây. Nó phụ thuộc vào tuổi của trẻ tại thời điểm tiêm liều vaccine  đầu tiên và tiền sử tiêm vaccine trước đó.

Có nên tiêm vaccine cúm cho trẻ em?
 - Ảnh 3.

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi là đối tượng nguy cơ cao nên được tiêm vaccine phòng cúm.

Cụ thể: Nếu tại thời điểm tiêm mũi vaccine cúm đầu tiên trong mùa cúm 2021-2022:

+ Trẻ từ 9 tuổi trở lên, thì chỉ cần tiêm 1 mũi.

+ Trẻ từ 6 tháng – 8 tuổi và chưa từng tiêm vaccine cúm trước đó, thì tiêm 2 mũi, các mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần.

+ Trẻ từ 6 tháng - 8 tuổi nhưng đã từng tiêm ít nhất 2 mũi vaccine cúm (bất kì loại nào) trước thời điểm 1/7/2021, thì cũng chỉ cần tiêm 1 mũi.

Có thể tiêm vaccine cúm đồng thời với vaccine COVID-19 hoặc bất kỳ thời điểm nào trước hoặc sau khi tiêm vaccine COVID-19. Tính tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy liệu rằng khả năng gây phản ứng của vaccine COVID-19 có tăng lên khi dùng chung vaccine cúm hay không? Cho nên cần tiếp tục xem xét và đánh giá về đặc tính phản ứng (reactogenicity profile) của vaccine và các nhà cung ứng nên tham khảo hướng dẫn mới nhất của ACIP / AAP liên quan đến việc dùng chung vaccine COVID-19 với vaccine cúm.

-Trẻ em bị nhiễm COVID-19 cấp tính mức độ vừa hoặc nặng không nên chủng ngừa vaccine cúm cho đến khi khỏi bệnh; các trẻ bị nhiễm bệnh mức độ nhẹ có thể được tiêm phòng.

Cần cố gắng đảm bảo chủng ngừa đầy đủ (trừ khi có chống chỉ định) cho trẻ em và người lớn thuộc nhóm nguy cơ cao và những người tiếp xúc trực tiếp với những đối tượng này.

Các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao nên được tiêm chủng vaccine cúm theo khuyến cáo của AAP bao gồm:

+ Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi.

+ Người lớn từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt từ 65 tuổi trở lên.

+ Trẻ em và người lớn mắc các bệnh lý phổi mạn tính (hen, xơ nang), các bệnh tim mạch có ảnh hưởng đáng kể về huyết động, các bệnh gan, thận, huyết học (như bệnh lí Hemoglobin, hồng cầu hình liềm) và chuyển hoá (như đái tháo đường).

+ Trẻ em và người lớn bị suy giảm miễn dịch do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả nguyên nhân do thuốc hoặc do nhiễm HIV.

+ Trẻ em và người lớn mắc các bệnh lí về thần kinh và rối loạn phát triển thần kinh (như bại não, động kinh, đột quỵ, chậm phát triển từ trí tuệ từ trung bình đến nặng, loạn dưỡng cơ hoặc tổn thương tủy sống)

+ Trẻ em và người lớn có các tình trạng ảnh hưởng đáng kể đến chức năng hô hấp như: mở khí quản và thở máy.

+ Trẻ em và thanh thiếu niên <19 tuổi đang điều trị aspirin dài hạn hoặc thuốc có chứa salicylate (như trẻ mắc bệnh Kawasaki hoặc thấp khớp) vì tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye.

+ Trẻ em và người lớn bị béo phì.

Cần phải xem xét và đánh giá các chống chỉ định riêng của từng sản phẩm  trước khi lựa chọn loại vaccine sử dụng. Trẻ em đã có phản ứng dị ứng sau khi tiêm bất kỳ một loại vaccine cúm nào trước đó nên được đánh giá kĩ càng bởi một chuyên gia dị ứng để xác định xem có thể tiếp tục chủng ngừa vaccine cúm hay không?

Trẻ em bị dị ứng với trứng vẫn có thể được chủng ngừa vaccine cúm (kể cả vaccine cúm bất hoạt hoạt và vaccine cúm sống giảm độc lực) mà không cần thêm bất kỳ biện pháp phòng ngừa bổ sung nào khác ngoài những biện pháp đã được khuyến cáo cho tiêm chủng các loại vaccine cúm nói chung.

Phụ nữ mang thai nên được tiêm loại vaccine cúm bất hoạt (IIV) bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, giúp bảo vệ cả mẹ và trẻ sinh ra (nhờ sự di chuyển kháng thể qua nhau thai). Nếu trong quá trình mang thai mà người mẹ chưa được chủng ngừa thì AAP khuyến cáo nên tiêm vaccine cúm trước khi xuất viện. Tiêm phòng vaccine cúm trong thời kỳ cho con bú an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

AAP ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc cho nhân viên y tế như là một yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh cúm và giảm các ca nhiễm cúm liên quan đến chăm sóc sức khỏe vì nhân viên y tế thường phải chăm sóc cho những người có nguy cơ cao bị các biến chứng liên quan đến cúm.

Bệnh cúm dễ nhầm với cảm lạnh thông thường, phân biệt cách nào?Bệnh cúm dễ nhầm với cảm lạnh thông thường, phân biệt cách nào?

SKĐS - Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh. Cúm sẽ tự khỏi...

Ca mắc cúm A bất ngờ tăng trái mùa, có phải dấu hiệu của đợt dịch bất thường?Ca mắc cúm A bất ngờ tăng trái mùa, có phải dấu hiệu của đợt dịch bất thường?

Bệnh cúm thường gia tăng ca mắc vào giai đoạn thời tiết lạnh, nhất là mùa đông xuân, tuy nhiên, gần đây, việc số người mắc cúm A tăng cao vào mùa hè khiến nhiều chuyên gia y tế không khỏi quan ngại. Mặc dù diễn biến phúc tạp nhưng rất may chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8.

BSNT. Nguyễn Trọng Phước
Bác sĩ nội trú chuyên ngành Nhi khoa – Trường Đại học Y Hà Nội.
Ý kiến của bạn