Băn khoăn lựa chọn
Theo dự báo, trong thời gian tới sẽ có các nhóm ngành phát triển mạnh như nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật, nhóm ngành công nghệ thông tin, nhóm ngành quản trị kinh doanh - kinh doanh quốc tế - tài chính - ngân hàng hay nhóm khoa học xã hội, du lịch - nhà hàng - khách sạn khách sạn - ẩm thực...
Chọn học nghề hay chọn đại học, có nên theo học các ngành hot, ngành mình chọn lựa sau khi học xong đi làm có hết hot không hay ngành nào sẽ "biến mất" trong tương lai... đó là băn khoăn của nhiều học sinh và phụ huynh trong mùa tuyển sinh đại học năm nay.
Trần M. Châu (học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: "Việc lựa chọn ngành học hot và trường hot là xu hướng chung của các bạn trẻ chúng em bây giờ. Chúng em muốn thể hiện bản thân mình nhiều hơn, ví dụ như khi giới thiệu mình là học sinh của một trường đại học nổi tiếng nào đó thì sẽ được mọi người ngưỡng mộ và đánh giá cao".
Hay như con chị Nguyễn Thu Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang học lớp 12. Sau khi tốt nghiệp THPT, con chị muốn thi vào một trường hot nhất ở Hà Nội đào tạo ngành Công nghệ thông tin.
Chị Hà chia sẻ: "Hiện nay, Công nghệ thông tin là một ngành hot được rất nhiều học sinh mơ ước. Tuy nhiên, gia đình rất băn khoăn, liệu rằng, một ngành nghề hiện tại đang rất "hot", nhưng sau quá trình học tập 4-5 năm, đến lúc tốt nghiệp, ngành nghề ấy có còn "hot" hay không?".
Không riêng gì Trần M.Châu hay câu chuyện của gia đình chị Hà mà thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh và học sinh quan niệm, chọn ngành hot và trường hot thì đầu ra sẽ được đảm bảo.
Hot cả tương lai hay chỉ hot trong thời điểm hiện tại?
Chia sẻ với PV báo SK&ĐS xung quanh vấn đề này, ông Ngô Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global cho biết, nhiều em học sinh băn khoăn về việc học nghề hay học đại học. Trước hết, các em phải phân biệt được bản chất học nghề là họ đi làm một việc cụ thể, như đi sửa xe máy, sửa ti vi. Còn học đại học khác là học một phương pháp luận để giải quyết một vấn đề, có tính hàn lâm nhưng bài bản hơn.
Với các em học sinh đang băn khoăn không biết thế nào là ngành hot, ngành mình cho là hot và chọn lựa sau khi học xong đi làm có hết hot không?
Ông Ngô Minh Tuấn chia sẻ: Những nghề sơ khai về sử dụng mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc con người thì sau này robot sẽ làm hết. Ví dụ các lĩnh vực: ngân hàng, bán hàng, chạy quảng cáo, cung cấp dữ liệu, thậm chí là kế toán… gần như mang tính lặp đi lặp lại hoặc hệ thống máy móc, phần mềm, con người chỉ nhập số liệu vào.
Tư duy con người có các nấc thang: Nấc 1 là kiến tạo và nấc 2 là vận hành. Nấc kiến tạo thì robot không làm được nhưng nấc vận hành thì sau này robot có thể thực hiện được.
"Chỉ khoảng sau 30 năm, những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những ngành tư duy của kiến tạo. Do vậy, ai học những ngành nghề mang tính sáng tạo thì sẽ tồn tại. Ngược lại, nếu chỉ học những ngành nghề mang tính lặp đi lặp lại thì có nguy cơ thất nghiệp trong tương lai gần", chuyên gia Ngô Minh Tuấn dự báo.
Theo ông Tuấn, hiện chưa có dự báo sâu về ngành. Người đi học quen nhìn ra xung quanh thấy lĩnh vực nào đó kiếm ra tiền thì lao vào học và coi đó là ngành hot. Ví dụ như bất động sản năm ngoái lao vào sale bất động sản vì kiếm tiền rất tốt, nhưng năm nay thì chững lại.
"Theo góc nhìn của tôi, không có ngành nào hot cả, làm nghề nào mà bạn giỏi nghề và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì bạn đấy mới là người hot. Tôi không khuyến khích chạy theo nghề hot, vì không có một nghề nào hot theo một chu kỳ dài cả. Mà chỉ có người hot – giỏi trong lĩnh vực đó thì đi đâu cũng được đón nhận.
Vì vậy, đừng tập trung vào nghề hot mà cần tập trung vào năng lực sở trường bên trong của bản thân. Từ đó, nhìn sâu vào bản thể của mình, nghiên cứu nghề nào bản thể của mình đáp ứng tốt nhất, mình thích nó thì mình trở thành trạng nguyên của lĩnh vực đó thì mình lúc nào cũng hot, chứ không cần nghề hot", ông Ngô Minh Tuấn cho biết.
Còn theo TS. Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, không có ngành gì là "hot" hẳn. Nếu như ngành du lịch phát triển, thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành hàng không, vận tải, các dịch vụ nhà hàng khách sạn phát triển… Hay ngành công nghệ ô tô phát triển, yêu cầu cần có các linh kiện ô tô, dây điện, ốc vít… để thành phẩm và đưa ra thị trường thì lại liên quan đến khâu marketing, thương mại, dịch vụ…
Rõ ràng một ngành phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác cùng phát triển. Hiện các em mới chỉ đang hiểu đơn thuần rằng ngành nào có lương cao là ngành hot. Cách hiểu đó là chưa đúng và chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà robot và trí tuệ nhân tạo có thể khiến một số ngành nghề ở hiện tại có nguy cơ giảm dần, biến mất. Do đó, không thể nói ngành nào hot hay không hot.
Theo TS. Đồng Văn Ngọc, các em học sinh nên căn cứ vào những điều kiện thực tế như lực học, sở trường, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội với các ngành nghề để đưa ra sự lựa chọn, tránh tâm lý chạy theo đám đông. Đặc biệt, tài chính là vấn đề không thể bỏ qua khi chọn trường, chọn ngành. Nhiều trường năm đầu công bố mức học phí hợp lý nhưng từ năm thứ hai trở đi, mức học phí có thể sẽ tăng và tăng phi mã.
"Hãy coi việc lựa chọn ngành, trường là một dự án đầu tư quan trọng của cuộc đời mình. Học cao đẳng hay đại học không quan trọng mà quan trọng hơn là chọn ngành nào để có thể phát huy năng lực tốt nhất. Khi đã xác định trường mình dự kiến học tập, các em nên dành thời gian đến tận trường tham quan cơ sở đào tạo, hỏi chính sinh viên đang theo học tại đấy để thẩm định lại một lần nữa trước khi quyết định chọn lựa", TS. Đồng Văn Ngọc khuyên.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thạch (Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính) cho rằng, việc lựa học ngành hot là điều tất yếu đối với học sinh và phụ huynh, đó là quyền của con người. "Tuy nhiên, học sinh và phụ huynh cần cân nhắc là hot hiện nay nhưng kéo dài được bao lâu? Hot hiện nay hay là hot cả tương lai hay chỉ hot trong thời điểm hiện tại, đó là điều các em cần hết sức lưu ý bởi thời gian đào tạo của mỗi một trường ít nhất là 4 năm, do đó cần xem xét xem sau khi ra trường thì ngành đó sẽ như thế nào, tương lai sẽ ra sao".