Có nên thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học E5?

09-06-2016 08:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Gần đây, nhiều người dân đang có những tranh luận về việc xăng E5 sẽ thay thế toàn bộ xăng A92 hiện có trên thị trường.

Gần đây, nhiều người dân đang có những tranh luận về việc xăng E5 sẽ thay thế toàn bộ xăng A92 hiện có trên thị trường. Rất nhiều ý kiến cho rằng việc “khai tử xăng A92” và bắt buộc các cây xăng chỉ bán dòng xăng “sinh học E5” là quá cứng nhắc và mang đậm tính mệnh lệnh hành chính, có thể khiến nhiều người tiêu dùng không hài lòng.

Chất lượng đã đảm bảo?

Trước thông tin các cây xăng sẽ dừng bán dòng xăng A92 để chuyển sang dòng E5, Bộ Công Thương đã khẳng định không có chuyện dừng bán hoàn toàn xăng A92 tại 8 tỉnh, thành phố từ ngày 1/6 theo lộ trình tiến đến thay thế hoàn toàn xăng E5 trên thị trường trong tương lai.

Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ bỏ hẳn xăng A92 và thay bằng xăng sinh học E5 tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Bà Rịa Vũng Tàu. Các tỉnh thành còn lại phải có tối thiểu 50% cây xăng trên địa bàn bán xăng sinh học E5.

Hãy để thị trường tự lựa chọn xăng E5 hay A92.

Trước kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, định hướng việc sử dụng xăng E5 là một chủ trương của Nhà nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường là rất tốt, tuy nhiên, chất lượng xăng E5 của Việt Nam chưa khiến người dân yên tâm, trong khi người dân đang sử dụng loại xăng vẫn là mặt hàng thông thường trên thế giới, do đó không thể cưỡng chế người ta bỏ được.

“Các nhà máy ethanol Việt Nam đang phải trùm mền, hấp hối dù đã đầu tư vào đó rất nhiều tiền. Việc sử dụng công nghệ Trung Quốc khiến chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, sản phẩm ấy đã lạc hậu với thế giới, giá thành lại cao. Đó là lý do người tiêu dùng, các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà với việc sử dụng xăng E5”.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, “ép” người dân phải sử dụng xăng E5 là trái với quy luật phát triển kinh tế thị trường, mang nặng tính hành chính, mệnh lệnh cứng nhắc.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, với bất kỳ sản phẩm nào, người sản xuất chỉ có thể đưa sản phẩm mới vào thay thế sản phẩm đang tiêu thụ để khách hàng chấp nhận sản phẩm mới một cách tự nguyện, đồng nghĩa sản phẩm mới phải có giá cả và chất lượng cạnh tranh. Bất cứ cơ chế áp dụng biện pháp hành chính vào kinh doanh như vậy là không tuân theo quy luật thị trường, thiệt hại cho người tiêu dùng nếu họ vẫn còn tiếp tục mong muốn được sử dụng A92. Hơn nữa, A92 không phải là một mặt hàng cấm nên không thể buộc các cây xăng không được bán.

Nhìn nhận ở góc độ khác, tại sao không để người tiêu dùng tự nguyện chọn lựa giữa hai mặt hàng và tại sao vẫn nhiều người ưa thích xăng A92 hơn? Đơn giản như đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xăng E5 chưa tạo được lòng tin về chất lượng, chưa có mức giá xứng đáng để cạnh tranh.

Lâu nay, xăng E5 đã đưa vào thị trường rồi người tiêu dùng vẫn chưa bỏ A92, có hai vấn đề cần giải quyết đó là giá và chất lượng. Giá xăng E5 chỉ rẻ hơn khoảng 500 đồng/lít chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng, chất lượng thì người tiêu dùng vẫn chưa tin. Do đó phải giảm giá E5 mạnh hơn, tạo chênh lệch đáng kể so với giá A92, người tiêu dùng sẽ chuyển qua tiêu thụ nhiều hơn và dần dần họ tự đánh giá được chất lượng. Mặt khác, phải tăng cường cung cấp thông tin khoa học đáng tin cậy về E5 đến người tiêu dùng.

Hãy để thị trường quyết định

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện có 7 nhà máy sản xuất ethanol sinh học (dùng pha chế xăng E5) nhưng đến nay có 4 nhà máy ở Phú Thọ, Quảng Nam, Đắk Nông và Bình Phước đã tạm dừng hoạt động do khó khăn nguồn vốn hoặc có những vấn đề trục trặc, không đồng bộ về công nghệ (nhiều nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc).

Nếu loại bỏ xăng A92, bắt buộc người tiêu dùng phải chọn xăng E5 nhằm cứu các nhà máy sản xuất ethanol kém hiệu quả là điều vô lý, khó chấp nhận được. Bởi đương nhiên không thể bắt người tiêu dùng phải gánh chịu sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp, mà cần xem xét lại tại sao doanh nghiệp bị “hấp hối” hoặc đóng cửa để có giải pháp phù hợp. Tự thân các nhà máy sản xuất xăng E5 phải nỗ lực đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, khi đưa được giá thành của xăng E5 thấp hơn hẳn A92 thì tự nhiên nó sẽ thu hút được khách hàng, song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của xăng E5 đối với việc cải thiện môi trường.

Có một sự kiện là trước đó, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về lộ trình phân phối xăng sinh học E5 trên địa bàn TP.HCM với sự tham gia của đại diện các Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Khoa học Công nghệ… cùng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bàn đến việc thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học E5 ở TP.HCM, thành phố đã tính đến việc yêu cầu chủ sở hữu các loại xe công thuộc cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tại TP.HCM đang sử dụng ngân sách nhà nước phải sử dụng xăng E5. Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính để tính toán kế hoạch này, có như thế mới có thể kêu gọi, vận động người dân chuyển qua sử dụng xăng E5.

Đây là việc khả thi và có thể áp dụng, bởi những xe sử dụng ngân sách nhà nước thì có trách nhiệm tuân thủ quy định của Nhà nước, nhưng với cả thị trường thì lại không thích hợp.


Bình An
Ý kiến của bạn