1. Nguyên nhân khiến răng ố vàng
ThS.BS. Đậu Thị Kiều Trang, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 19-8 cho biết, tình trạng răng ố vàng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như thói quen vệ sinh răng miệng chưa kỹ, ăn nhiều đồ ngọt, uống trà, cà phê, hút thuốc lá... Ngoài ra, răng xỉn màu cũng có thể do các vấn đề về men răng, bệnh lý hoặc di truyền, cụ thể:
- Vệ sinh răng miệng kém: Thói quen chăm sóc, vệ sinh răng miệng không đúng cách, không kỹ lưỡng có thể làm mảng bám tích tụ trên bề mặt khiến răng xỉn màu, ố vàng, thậm chí sâu răng.
- Ăn nhiều đồ ngọt và thực phẩm sẫm màu: Các món ăn với sốt tương cà, sốt cà ri hay quả mâm xôi có thể gây ra tình tặng răng ố vàng. Các chất tạo màu hóa học được thêm vào hoặc màu tự nhiên của thực phẩm sẽ bám vào men răng, khiến bề mặt răng ngả vàng.
Ngoài ra, các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, socola sẽ tích tụ vi khuẩn gây mảng bám và làm răng xỉn màu.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe răng miệng, bao gồm viêm nha chu, viêm nướu và làm răng trở nên ố vàng nặng. Điều này là do trong thuốc lá có chứa chất nicotine tạo màu vàng và hình thành các vết ố nâu đen trên kẽ răng.
- Không khám răng định kỳ: Khám răng định kỳ giúp phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề về răng miệng (nếu có). Bạn nên thăm khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần. Đối với những người có tình trạng đặc biệt, hoặc có nguy cơ cao gặp vấn đề về răng miệng, có thể cần thăm khám thường xuyên hơn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong quá trình thăm khám, nha sĩ sẽ tiến hành loại bỏ mảng bám và cao răng, giúp duy trì hàm răng trắng khỏe, ngăn ngừa sâu răng. Bởi dù chăm sóc răng miệng tốt, chải răng 2 lần mỗi ngày, sử dụng nước súc miệng thì mảng bám vẫn có thể tích tụ ở một số khu vực nhất định, đặc biệt là mặt trong của răng vì bề mặt này khó chải răng.
2. Tẩy trắng răng bằng chanh có hiệu quả không?
Nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào, chanh có khả năng diệt khuẩn, đánh bay các vết ố vàng và tẩy trắng răng. Chanh cũng giúp làm sạch, loại bỏ mùi hôi khó chịu, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển gây các bệnh liên quan đến răng miệng.
Lưu ý rằng, chanh có tính acid, do đó việc tiếp xúc ngắn hạn được cho là có thể loại bỏ một số mảng bám hay ố vàng trên răng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có thể làm mòn men răng nếu sử dụng quá nhiều hoặc quá thường xuyên. Chính vì vậy, chỉ nên áp dụng với tần suất và liệu lượng thích hợp để làm sạch răng miệng. Các tình trạng răng nhạy cảm, sâu răng... nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng, ThS.BS. Đậu Thị Kiều Trang khuyến cáo.
3. Một số công thức tẩy trắng răng bằng chanh
3.1. Tẩy trắng răng bằng chanh và muối
Sử dụng 1 quả chanh tươi và 1 thìa cà phê muối, vắt lấy nước cốt chanh. Tiếp theo, khuấy đều muối và nước chanh, dùng bàn chải đánh răng nhúng vào hỗn hợp trên và chải đều khắp các bề mặt răng trong khoảng 3-5 phút. Súc miệng thật sạch với nước.
Thực hiện phương pháp 2 lần/tuần để tẩy trắng răng an toàn. Không áp dụng quá thường xuyên tránh gây hại men răng, khiến răng trở nên nhạy cảm, ê buốt và yếu hơn.
3.2. Sử dụng chanh và baking soda
Chuẩn bị 1 thìa nước cốt chanh và 1 thìa cà phê baking soda. Trộn đều hai nguyên liệu, sau đó dùng bông hoặc bàn chải đánh răng chấm hỗn hợp đó, chải nhẹ lên răng trong khoảng 3 phút, súc miệng lại với nước sạch. Thực hiện 2 lần/tuần.
3.3. Dùng chanh và kem đánh răng
Sử dụng 2-3 giọt nước cốt chanh và một lượng kem đánh răng thích hợp để chải răng như thường ngày trong khoảng 3-5 phút. Khi chải răng, nên thực hiện thao tác nhẹ nhàng, đặc biệt cẩn thận ở vùng quanh nướu răng bởi vị trí này tương đối nhạy cảm, súc miệng lại với nước sạch. Thực hiện 2 lần/tuần.
3.4. Tẩy trắng răng bằng chanh và than hoạt tính
Trộn đều 3 thìa nước cốt chanh cùng 2 thìa bột than hoạt tính. Dùng bàn chải quét hỗn hợp lên khắp các bề mặt răng và chải đều trong khoảng 3-5 phút, súc miệng thật sạch với nước. Thực hiện 2 lần/tuần.
Để giữ hàm răng trắng khỏe, cần vệ sinh răng miệng và chải răng đúng cách, sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm để tránh gây tổn thương răng nướu. Chải răng theo đường tròn trên bề mặt răng, không chải ngang vì có thể làm tổn thương nướu và men răng.
Ngoài ra, nên sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng để loại bỏ mảng bám, tránh gây tổn thương cho nướu và lợi. Có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý 2-3 lần mỗi ngày để giữ cho hơi thở thơm mát, làm sạch vụn thức ăn bám trên bề mặt răng và khoang miệng, đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh khoang miệng.
Bên cạnh đó, nên định kỳ đến nha khoa để lấy cao răng và các mảng bám gây ố vàng. Việc này sẽ giúp bạn đánh giá sức khỏe răng miệng, từ đó kịp thời điều trị các vấn đề nếu có.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
8 loại thực phẩm là kẻ thù của răng miệng | SKĐS