Con tôi được 15 tháng tuổi, hơn 1 tuần nay cháu bị nổi rôm rất nhiều ở trán, lưng, vai gây ngứa, đỏ và khó chịu. Tôi đã cho cháu ăn nhiều đồ mát nhưng vẫn chưa hết rôm. Xin bác sĩ cho biết nổi rôm do nguyên nhân nào? Cách phòng tránh và có nên tắm nước lá sài đất?
Hoàng Lan Yến (Chí Linh - Hải Dương)
Hiện tượng nổi rôm rất phổ biến ở trẻ em trong mùa hè, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng nực, mồ hôi trẻ tiết nhiều không thoát được hết, ứ đọng trong ống bài tiết làm mồ hôi bị tắc nghẽn khiến da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám, có khi dày đặc. Ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể... càng có nhiều rôm. Khi bị rôm làm cho trẻ luôn bứt rứt, ngứa ngáy, rất khó chịu, không ăn, không ngủ được. Phần lớn trẻ chỉ bị rôm thông thường, thời tiết mát mẻ rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Tuy nhiên, ở một số trẻ do không vệ sinh thân thể sạch sẽ, gãi nhiều làm da xây xát gây nhiễm khuẩn tạo thành những mụn mủ và nhọt.
Sài đất có thể dùng để tắm cho trẻ giúp nhanh hết rôm. Ảnh: TL |
Để phòng tránh cho trẻ không bị rôm và tránh da bị nhiễm khuẩn trong những ngày hè nóng bức, chị cho cháu mặc quần áo có chất sợi tự nhiên, thấm mồ hôi, rộng rãi tránh dùng những loại vải dày, vải nylon bí mồ hôi. Cho trẻ sinh hoạt ở không gian thoáng đãng. Thường xuyên tắm cho trẻ, khi có mồ hôi cần dùng khăn sạch lau khô ngay. Hạn chế các thức ăn quá ngọt như chocolate, kẹo, nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn mát như hoa quả, bột sắn dây, rau xanh, uống đủ nước... Không để trẻ chơi ở ngoài nắng...
Ngoài việc cho ăn những thức ăn mát, vệ sinh thân thể sạch sẽ..., chị cũng nên đun lá sài đất tắm cho cháu, vì lá sài đất có tác dụng kháng khuẩn, diệt các vi khuẩn cộng sinh trên da. Sài đất tươi (200-300g) rửa sạch, đun lấy nước đặc, để ấm tắm và gội cho trẻ. Tuy nhiên, chị cũng không nên tắm thường xuyên và kéo dài cho cháu, nếu tắm nhiều sẽ khiến da trẻ trở nên nhạy cảm hơn. Tốt nhất, tuần chỉ nên tắm 2-3 lần và khi hiện tượng nổi rôm của cháu hết và khỏi thì dừng tắm nước lá sài đất.
Lưu ý: Khi trẻ bị rôm không được dùng kháng sinh, kem bôi lên vùng da bị rôm hoặc bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định của bác sĩ. Khi thấy hiện tượng nổi rôm ở trẻ phát triển ngày càng nhiều, bội nhiễm da hoặc có dấu hiệu sốt, mệt mỏi... nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Bác sĩ Văn Định