Vì sao suy thận thường gặp ở người đái tháo đường?
Khi mắc bệnh đái tháo đường, theo thời gian lượng đường cao trong máu đã làm hỏng hàng triệu đơn vị lọc nhỏ trong mỗi quả thận, cuối cùng dẫn đến suy thận. Khoảng 20 - 30% những người mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện có bệnh thận do đái tháo đường, nhưng không phải tất cả những trường hợp này đều sẽ tiến triển thành suy thận. Tuy nhiên, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu...
Bệnh thận đái tháo đường thường phát triển sau 10 năm ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, nhưng có thể xuất hiện ngay khi có chẩn đoán đái tháo đường type 2. Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường typ 2 đã có tổn thương thận mà không biết.
Các vấn đề về thận thường được bác sĩ phát hiện khi họ đi khám bệnh. Bởi các triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường diễn ra âm thầm nhưng tịnh tiến, triệu chứng lâm sàng khá mờ nhạt, cho đến khi tổn thương đủ nghiêm trọng để gây ra các triệu chứng thì đã quá muộn.
PGS.TS.Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay: Việc dùng thuốc điều trị đái tháo đường cũng ảnh hưởng đến thận. Ngược lại việc dùng thuốc điều trị suy thận cũng có ảnh hưởng đến đường huyết. Do đó, việc dự phòng suy thận đái tháo đường là vấn đề rất trọng yếu.
Dự phòng suy thận đái tháo đường bằng cách nào?
Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ nằm 2023 đã đưa ra khuyến cáo, trong đó nhấn mạnh việc điều trị toàn diện, đa yếu tố, kiểm soát tất cả các yếu tố nguy cơ để làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mạn tính và biến chứng tim mạch.
Bên cạnh những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi, chủng tộc, yếu tố di truyền, thì những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như kiểm soát đường huyết, huyết áp, lipid máu… Khi các yếu tố nguy cơ này được kiểm soát tốt, bệnh thận đái tháo đường tiến triển chậm, có thể ngăn ngừa suy thận.
Theo PGS.TS.Tạ Văn Bình, những năm gần đây, y học đã có những tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Đó là tìm ra những nhóm thuốc mới, những nhóm thuốc viên điều trị bệnh đái tháo đường type 2 có thể được chỉ định ngay cả khi đã bị suy thận do đái tháo đường (khi mức lọc cầu thận đến 30mL/phút/1,73m2).
Người bệnh đái tháo đường có thể dự phòng suy thận bằng những việc đơn giản như:
- Thực hiện chế độ ăn, uống đúng, có tập luyện vừa sức, không hút thuốc.
- Dùng thuốc đúng để giữ ổn định lượng đường máu.
- Điều trị ổn định số đo huyết áp, thậm chí dùng nhóm thuốc đã được chứng minh có khả năng dự phòng suy thận như nhóm ức chế men chuyển …
Khi mức độ suy thận đã đến mức cuối, điều trị thuốc hạ đường máu bằng insulin và chế độ ăn uống đặc biệt. Các biện pháp điều trị suy thận phải tùy thuộc vào mức độ suy thận. Từ điều trị nội khoa, đến lọc máu chu kỳ với nhiều mức độ khác nhau và cuối cùng là thay thận. Đây là giai đoạn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa nội tiết - chuyển hóa với chuyên khoa thận, chuyên khoa dinh dưỡng và ghép thận.
Có nên sử dụng insulin sớm để ngăn ngừa suy thận
Một số ý kiến cho rằng, nên tiêm insulin sớm để tránh bị suy gan, thận và ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc viên. Tuy nhiên, theo GS.TS.Tạ Văn Bình thì đây không phải là giải pháp. Hiệp hội đái tháo đường thế giới đã nghiên cứu và đưa ra kết luận: Để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc viên - việc nên làm là phối hợp thuốc. Do đó, việc kết hợp nhiều nhóm thuốc điều trị đái tháo đường là phương pháp phổ biến trên thế giới hiện nay.
Trong một nghiên cứu của Hội thận học Hoa Kỳ cũng đã đưa ra kết luận, sử dụng insulin sớm ở người bệnh đái tháo đường không ngăn ngừa được biến chứng suy thận. Do đó không nên lạm dụng insulin mà chỉ nên dùng ở giai đoạn cần thiết. Việc sử dụng thuốc viên, thuốc tiêm insulin luôn phải dựa vào giai đoạn bệnh, vào tình trạng người bệnh.
Với bệnh đái tháo đường lâm sàng cho tới nay chưa có thuốc nào chữa khỏi. Cũng như vậy với các biến chứng của đái tháo đường người ta chỉ có thể làm chậm, giảm nhẹ mức độ của các biến chứng - nếu được điều trị đúng và có kết quả tốt. Việc tìm ra insulin để điều trị bệnh đái tháo đường có thể coi là cột mốc quan trọng, có tính quyết định và là thành tựu vĩ đại của con người trong cuộc chiến với bệnh đái tháo đường. Song đã là thuốc thì luôn có mặt lợi và mặt bất lợi. Do đó không nên sử dụng thuốc ở giai đoạn không cần thiết.
Mời độc giả xem thêm video:
Tăng huyết áp, đái tháo đường cần tránh xa thực phẩm màu trắng nào? | SKĐS