Có nên quá khắt khe với việc cầu hôn nơi công cộng?

23-06-2018 20:06 | Thời sự

SKĐS - Vừa qua, một phó bí thư đoàn trường ĐH Vinh cầu hôn trong lễ tốt nghiệp của trường và trước đó trên truyền hình, diễn viên Trường Giang cũng bất ngờ cầu hôn bạn gái đã gây xôn xao dư luận và tốn khá nhiều giấy mực của báo chí!

Trên một số diễn đàn nhiều ý kiến tranh luận nên hay không nên cầu hôn nơi công cộng? Đa số ý kiến cho rằng việc cầu hôn như vậy là không nên, thiếu tế nhị, thiếu văn hóa, bắt chước, học đòi. Thậm chí, có ý kiến cho rằng tình yêu như vậy như mì ăn liền, khó có thể bền lâu hạnh phúc...

Tuy nhiên, một số người cho rằng việc cầu hôn nơi công cộng là bình thường, góp phần làm cho cuộc sống thêm lãng mạn, thú vị hơn. Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm trên, vì thực ra hành vi này không ảnh hưởng gì nhiều đến những người xung quanh mà còn tô đẹp thêm cho cuộc sống.

Có thể nói rằng, việc cầu hôn nơi công cộng như nốt nhạc vui, tô điểm thêm cho cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của xã hội, là màu sắc của tình yêu. Bởi vì, đề tài về tình yêu không bao giờ cạn trong bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào!

Tại sao lại cho rằng như vậy là bắt chước, là học đòi thế giới? Việc tiếp thu văn minh, tinh hoa văn hóa nhân loại là hoàn toàn bình thường, thực tế rất nhiều lễ hội, văn hóa nước ngoài đang rất thịnh hành, phát huy yếu tố tích cực ở Việt Nam. Vì thế, cầu hôn công khai, ở nơi công cộng cũng thể hiện được nhịp sống văn minh, hiện đại, hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Có ý kiến cho rằng, nếu ai cũng “lợi dụng” khi diễn ra các buổi lễ để cầu hôn thì sẽ ảnh hưởng đến tính trang nghiêm của buổi lễ, công việc chung. Nhìn nhận vấn đề như vậy là thiển cận, có phần ích kỷ! Bởi vì, ngoài các buổi lễ, hội có tính chất nghi lễ quốc gia, lễ trang trọng mang ý nghĩa chính trị-xã hội, đối ngoại hoặc tâm linh, đau buồn thì không được phép, không nên. Riêng đối với các lễ, hội có tính giải trí, văn hóa, văn nghệ thông thường thì không nên quá nghiêm trọng, phức tạp hóa vấn đề.

Ngoài ra, thực tế cũng rất ít người có dũng khí, “dám” cầu hôn người yêu trong các buổi lễ ở chốn đông người hoặc nơi công cộng! Mặt khác, đa số các cặp cầu hôn nhau thường trước đó họ đã có thời gian dài quan biết, tìm hiểu và đối phương bật “đèn xanh” nên việc cầu hôn như cách chính thức thông báo cho mọi người biết mà thôi.

Ngược lại, nếu đó là tình yêu đơn phương, gượng ép thì người cầu hôn không những không đạt được mong muốn mà sẽ đánh mất danh dự của mình. Vì thế chắc chắn họ phải cân nhắc rất kỹ khi thực hiện hành vi cầu hôn nơi công cộng!

Chúng ta không nên quá khắt khe với việc cầu hôn nơi công cộng, nhất là trong các chương trình mang tính chất văn hóa giải trí, buổi lễ chào mừng, tôn vinh. Nếu được theo tôi, khi đó chúng ta nên chung vui cùng họ và chúc họ mãi mãi hạnh phúc bên nhau, với tình yêu lãng mạn này. Đó mới chính là cuộc sống!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!


ThS Luật. Phạm Văn Chung
Ý kiến của bạn