Có nên phẫu thuật nội soi khi bị ung thư đại trực tràng?

04-05-2016 20:09 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Nhiều người quan niệm đã bị ung thư không nên đụng dao kéo hay phẫu thuật, vậy có nên phẫu thuật đối với bệnh ung thư đại trực tràng hay không và nên mổ nội soi hay mổ mở với căn bệnh này?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 14 triệu trường hợp ung thư mới và 8,2 triệu người tử vong vì ung thư, trong đó ung thư đại trực tràng có 694.000 người tử vong. Theo dự báo, trong vòng 2 thập kỷ tới, số ca ung thư sẽ tăng 70% và đạt 22 triệu người mắc ung thư. Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến, đứng thứ 3 của nam giới và thứ 2 ở phụ nữ. Theo dự báo của cơ quan y tế Mỹ, năm 2016, sẽ có 134.000 người Mỹ được chẩn đoán ung thư đại trực tràng và  49.000 người sẽ chết vì căn bệnh này. Đáng chú ý, có tới 15% số người mắc bệnh ung thư đại trực tràng dưới 50 tuổi.

Mặc dù ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 3 nhưng tỷ lệ tử vong của nó lại xếp thứ 2, chỉ sau ung thư phổi cho cả 2 giới.

GS Joel Leroy, Giám đốc Viện nghiên cứu ung thư đường tiêu hóa (IRCAD) của Pháp.

Phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng cho kết quả tương đương mổ mở

Dù là loại ung thư nguy hiểm nhưng không phải ai cũng hiểu thấu đáo về căn bệnh này, nhiều người ngay cả những người làm khoa học cũng có những nghiên cứu chưa đúng.  Nhiều người bệnh cho rằng khi đã bị ung thư cần tránh động dao kéo hay phẫu thuật bởi nó sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của bệnh ung thư. Hay nếu phải mổ cần mổ mở, không nên mổ nội soi.

GS Joel Leroy – người đi đầu trong chuyên ngành phẫu thuật nội soi đại trực tràng và ung thư đại trực tràng, Giám đốc Viện nghiên cứu ung thư đường tiêu hóa (IRCAD) của Pháp cho biết, nguyên tắc của phẫu thuật nội soi là đảm bảo quy trình phẫu thuật chặt chẽ, tránh lây lan ra thành bụng.  Một báo cáo của các nhà khoa học Mỹ cho rằng bệnh lý ung thư đại trực tràng chỉ nên mổ mở và chống chỉ định cho phẫu thuật nội soi. GS Leroy khẳng định, điều này hoàn toàn sai lầm. “Bởi chúng tôi đã có nghiên cứu đánh giá, và nhiều nhóm nghiên cứu khác cũng cho biết báo cáo này là hoàn toàn sai, họ cho rằng tỷ lệ tái phát của phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng lên tới 30% là hoàn toàn không đúng. Thực ra kết quả đó là do sai lầm trong kỹ thuật xử lý của phẫu thuật viên” – GS Leroy lý giải. Nghiên cứu  chỉ ra tỷ lệ tái phát tại chỗ trong phẫu thuật nội soi đại trực tràng dưới 1%, chứ không phải lên tới 30%  như trong báo cáo của Mỹ.

GS Leroy chia sẻ với các bác sĩ rằng, kỹ thuật sai khi phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng là phẫu thuật viên đã chạm vào khối u, vết mổ quá nhỏ, không có phương tiện bảo vệ thành bụng có thể làm vỡ khối u – đây là những sai lầm về mặt kỹ thuật. Không có sự khác nhau về thời gian sống, tỷ lệ tái phát tại chỗ, ở ngay bản thân khối u trực tràng hoặc đại tràng của các bệnh nhân ung thư đại trực tràng mổ mở hay mổ nội soi. Để có kết quả tăng thời gian sống và giảm tối đa tái phát cho người bệnh, các phẫu thuật viên cần áp dụng các nguyên tắc phẫu thuật chặt chẽ, cần bảo vệ thành bụng để tránh lây lan tế bào ung thư.

Các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng

Phẫu thuật nội soi không phải là biện pháp phẫu thuật mới mà chỉ là cách tiếp cận mới đối với phẫu thuật ung thư đại trực tràng. Mục tiêu của các loại phẫu thuật ung thư không phải là vấn đề thẩm mỹ, mà là thời gian sống thêm, tỷ lệ tái phát tại chỗ... sau đó mới tính đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống sau mổ.

GS Leroy cho biết, tiêu chuẩn trong phẫu thuật nội soi điều trị ung thư đại trực tràng, cần nạo vét hạch trong phẫu thuật, theo khuyến cáo ít nhất 15 hạch.  Một trường hợp bệnh nhân mặc dù khối u rất nhỏ, nhưng chỉ lấy được 2 hạch, bệnh nhân phải điều trị hóa trị. Do bác sĩ không nạo được hạch, trong trường hợp này chúng ta không biết những hạch còn lại có khả năng dương tính với ung thư.  Còn có những bệnh nhân ung thư giai đoạn sau, nếu bệnh nhân phẫu thuật khối u mà không có hạch thì không cần điều trị hóa chất.

Nguyên tắc thứ 2 trong phẫu thuật ung thư đại trực tràng là không nên cắt sát vào khối u. Khi phẫu thuật nội soi trong phẫu thuật ung thư đại trực tràng cần hạn chế chạm trực tiếp vào khối u, hoặc chạm vào khối u càng muộn càng tốt. Nguyên tắc cuối cùng khi phẫu thuật là tiệm cận mạch máu, lấy đi tận gốc mạch máu nuôi, lấy các hạch nằm trong mạc treo dọc theo mạch máu lớn đó. Ngoài ra để tiến hành phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng, cần có một phòng mổ phù hợp, có đủ vị trí để phẫu thuật viên có thể thay đổi vị trí xung quanh, có màn hình đảm bảo góc nhìn, các phương tiện hiện đại như dao siêu âm để đảm bảo tốt nhất cho sự an toàn phẫu thuật.


Hải Yến
Ý kiến của bạn