Sau khi báo SK&ĐS số 84 ra ngày 26/5 đăng tin Quốc hội Pháp thông qua dự luật cấm sử dụng ba hóa chất trong đó có paraben (một loại hóa chất sử dụng trong sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm) vì gây rối loạn nội tiết và có thể gây ung thư vú, vô sinh... Nhiều bạn đọc gọi điện đến tòa soạn bày tỏ lo ngại khi đang sử dụng thuốc, mỹ phẩm có paraben: Paraben là chất gì? Có nên ngưng sử dụng sản phẩm có chứa paraben...? Để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia và cơ quan quản lý dược phẩm và mỹ phẩm. Cấ u trúc hóa học củ a cá c paraben.
TS. TRƯƠNG QUỐC CƯỜNG - Cục trưởng Cục Quản lý Dược: Cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao các thông tin liên quan đến chất paraben
Theo Công văn của Cục Quản lý Dược, năm 2004, một nghiên cứu của Anh đã tìm thấy paraben trong mẫu sinh thiết các khối u vú. Tuy nhiên, nghiên cứu này có những thiếu sót về phương pháp luận và điều này cũng được nhóm tác giả thừa nhận. Cơ quan Quản lý Dược của Pháp (Afssaps) đã chủ động triệu tập một nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu về các dẫn xuất paraben có trong các sản phẩm có liều sử dụng hàng ngày lớn, được tiêu thụ nhiều và đặc biệt là được sử dụng cho trẻ em, khuyến khích họ nhanh chóng thiết lập nghiên cứu để xem xét về nguy cơ đối với khả năng sinh sản sau này của nam giới. Các nước khác trong liên minh châu Âu và tổ chức dược phẩm châu Âu đang chờ kết quả nghiên cứu này để đưa ra quyết định tiếp theo.
ThS. LÊ QUỐC THỊNH - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện 71 Trung ương: Paraben không phải là hoạt chất làm thuốc
Paraben là chất có tính kháng khuẩn và kháng nấm nhưng chỉ được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn (do nấm hoặc vi khuẩn) và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc, mỹ phẩm. Vì nó nằm trong thành phần của chất bảo quản (là chất phụ gia thêm vào công thức bào chế) nên trong các dược phẩm thuốc, chúng ta không mấy khi gặp tên này trong thành phần. Nhưng trong mỹ phẩm như trên các hộp kem dưỡng da, kem chống nắng, son môi, sữa tắm... thường có ghi thành phần của các chất bảo quản như methylparaben, butylparaben, ethylparaben, isobutylparaben, propylparaben…
Thực tế cho thấy, các loại mỹ phẩm, dược phẩm rất dễ bị hỏng do nấm mốc, vi khuẩn trong quá trình lưu thông, bảo quản tại kho hàng. Paraben sẽ giúp cho các sản phẩm làm đẹp hoặc thuốc có thể giữ nguyên chất lượng ban đầu sau thờ i gian vận chuyển trên các chuyến tàu, nằm trên các quầy kệ cửa hàng hay siêu thị hà ng năm trời và có thể chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt để đảm bảo chất lượng khi đến tay người sử dụng.
Thông tin về paraben gây ung thư vú, vô sinh không phải đến bây giờ mới được quan tâm mà nó đã được nhiều công trình nghiên cứu cảnh báo từ lâu. Nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa kết luận mà chỉ đặt vấn đề nghi ngờ về paraben. Đứng trước nghi ngờ này, các nhà sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm muốn có các sản phẩm không dùng đến chất bảo quản paraben để người sử dụng khỏi lo lắng nhưng vẫn chưa tìm ra được chất thay thế.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC, Khoa Dược, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh: Có nên ngưng sử dụng?
Thời điểm báo chí đưa tin Cơ quan an toàn sức khỏe của Pháp đang hợp tác với nhiều hãng dược để nghiên cứu về tính độc hại của paraben vì nghi ngờ các chất bảo quản này có khả năng gây ung thư vú ở phụ nữ và gây vô sinh ở nam thì trước đó, paraben được ghi nhận có độc tính cấp và trường diễn thuộc loại rất thấp, gần như không tác hại nào đáng kể và thuộc loại chất bảo quản dùng lâu đời.
Còn đối với mỹ phẩm, nếu có sự nghi ngờ về độ an toàn (không chỉ paraben mà còn có thể có các chất nghi ngờ độc hại khác) tốt nhất không sử dụng và thông báo ngay cho cơ quan chức năng biết để có biện pháp xử lý. Người tiêu dùng nên chọn dùng các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
THU HƯƠNG (ghi)
PGS.TS. TRẦN HỒNG CÔN – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Hóa chất bao giờ cũng có tính hai mặt
Riêng với hóa chất paraben, có thể qua quá trình theo dõi sử dụng các sản phẩm có chứa chất bảo quản này, một số nhà chuyên môn đã phát hiện được khả năng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng đến thời điểm này, hóa chất paraben vẫn chưa chính thức bị cấm sử dụng, do đó trong lúc chờ đợi các bằng chứng khoa học đầy đủ của giới chuyên môn cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm, người tiêu dùng cần thật sự thông thái, không nên quá hoang mang mà ngưng sử dụng sản phẩm có thành phần paraben, đặc biệt là với những người đang điều trị bệnh bằng thuốc paraben.
THÁI BÌNH (ghi)