Hà Nội

Có nên nạo V.A nhiều lần?

24-08-2009 16:47 | Tin nóng y tế
google news

Con tôi năm nay được 3 tuổi. 2 tháng trước, cháu thường xuyên bị viêm họng, được bác sĩ khuyên nên nạo V.A. Tôi đã cho cháu nạo V.A nhưng mấy hôm nay cháu lại ho nhiều, cả ngày lẫn đêm.

Con tôi năm nay được 3 tuổi. 2 tháng trước, cháu thường xuyên bị viêm họng, được bác sĩ khuyên nên nạo V.A. Tôi đã cho cháu nạo V.A nhưng mấy hôm nay cháu lại ho nhiều, cả ngày lẫn đêm. Tôi đã cho cháu đi khám tai mũi họng, bác sĩ nói cháu nạo V.A nhưng chưa hết, phải nạo lại. Tôi không biết nạo V.A lần nữa có ảnh hưởng đến sức khoẻ của cháu không?

Nguyễn Thị Hạnh (Quảng Ninh)

V.A (Végetations adénoides) là một tổ chức lympho ở vòm mũi họng mà mọi em bé đều có. Khi tổ chức này bị viêm quá phát thì biến thành những khối to gọi là sùi vòm, có thể che lấp cửa mũi sau nên bị ngạt, tắc mũi. V.A phát triển nhất ở độ tuổi từ 2 - 6 tuổi. Viêm V.A mạn tính hình thành qua nhiều lần viêm V.A cấp mà không được điều trị triệt để. Trẻ bị viêm V.A mạn tính hay ho và sốt vặt do mũi chảy xuống họng.  Tối trẻ ngủ không yên giấc, hay ngáy to, hay giật mình. Tai nghễnh ngãng và cũng hay bị viêm. Cơ thể chậm phát triển so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống ít biết ngon. Người gầy hoặc béo bệu, nước da bệch.

Viêm V.A có những chỉ định để nạo cụ thể như:

- Tần suất viêm xảy ra trên 5 lần trong một năm kéo dài trong 2 năm liên tiếp.

- Viêm V.A do một loại vi khuẩn có mùi hôi.

- Viêm V.A làm ảnh hưởng tới các chức năng sinh lý của họng như ngạt tắc mũi, khó nuốt, thay đổi giọng nói...

- Viêm V.A gây ra các biến chứng gần như viêm tai giữa, viêm hạch mạn tính ở cổ, viêm mũi xoang, áp - xe thành sau họng, viêm thanh quản, viêm khí - phế quản.

- Viêm V.A gây ra các biến chứng toàn thân như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim.

- Viêm V.A ảnh hưởng tới phát triển thể chất của trẻ.

Vì vị trí của V.A nằm sát nền sọ nên nếu nạo gây tê bằng thìa nạo có thể không lấy hết được tổ chức V.A, phần còn lại do quá trình viêm lại tiếp tục phát triển. Việc khám và chỉ định nạo lại tùy thuộc vào việc khám và chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Nếu thấy cần phải nạo lại nên nạo dưới nội soi và gây mê toàn thân. 

ThS. Phạm Bích Đào


Ý kiến của bạn