Hà Thanh Thủy (Đồng Nai)
Bạn Thủy thân mến,
Trước hết, đúng là không phải sốt nào cũng phải đi khám bác sĩ ngay. Ví dụ nếu con bạn sốt nhẹ 38 độ C ngày thứ nhất, kèm sổ mũi, ho, trẻ vẫn chơi, ăn uống bình thường, thì nên để bé ở nhà và chưa nên dùng thuốc hạ sốt. Nếu có số của bác sĩ nhi, thì nên gọi điện xin tư vấn hoặc hẹn lịch khám bệnh.
Nếu con bạn có sốt cao, khiến trẻ khó chịu, quấy khóc… nhưng nhà ở xa cơ sở y tế; điều kiện chưa thể cho bé đi khám bệnh ngay, thì cần phải dùng thuốc hạ sốt để tránh cho bé bị sốt cao quá gây hại.
Nếu trẻ sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), vẫn chơi vui và ăn uống bình thường thì không nên dùng thuốc hạ sốt ngay.
Acetaminophen (paracetamol) là một thuốc hạ sốt khá an toàn, có thể mua mà không cần kê toa. Điều quan trọng là dùng sao cho đúng liều. Vậy khi nào trẻ cần hạ sốt?
Trước tiên, cần phải hiểu về lợi và hại của sốt. Bởi sốt là phản ứng bình thường của cơ thể trước tình trạng khác nhau của cơ thể, mà phổ biến nhất là nhiễm vi khuẩn, virus.
Khi trẻ sốt ở nhiêt độ vừa phải là phản ứng có lợi trước tác nhân gây bệnh. Nhưng khi sốt cao quá mức chịu đựng (tùy từng trẻ), tức là khi sốt 40 độ C trở lên hoặc dưới 40 độ C nhưng trẻ lừ đừ, quấy khóc, nôn ói… thì cần phải uống thuốc hạ sốt ngay, kể cả khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi lúc này, quá trình chuyển hóa các chất sẽ bị rối loạn. Lúc này các emzym bản chất protein sẽ bị tổn thương. Vậy nên cần dùng hạ sốt trong 2 trường hợp này đối với 1 em bé trước đó khỏe mạnh. Với những bé có bệnh nền sẵn như bệnh tim phổi bẩm sinh, bệnh não bẩm sinh… thì thậm chí nên dùng thuốc hạ sốt sớm hơn. Một số em bé đang trong tình trạng bệnh lý đặc biệt: Chấn thương ở đầu, sốc, bỏng… cũng cần hạ sốt sớm.
Vì thế không nên quá cực đoan trong vấn đề xử trí sốt. Cha mẹ cần sáng suốt theo dõi và tùy tình hình của trẻ để quyết định cho trẻ uống uống hạ sốt hay không.