Trần Thị Hồng Hạnh (Hà Nội)
Nếu bạn tìm hiểu trên mạng thì cũng có vài bài báo dẫn lời bác sĩ khuyên không nên dùng hạ sốt trước khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh. Vì dùng thuốc hạ sốt sẽ làm lu mờ triệu chứng khiến bác sĩ sẽ khó khăn hơn khi chẩn đoán bệnh...
Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng. Thứ nhất, không phải sốt nào cũng phải đi khám bác sĩ. Nếu con bạn sốt nhẹ 380C ngày thứ nhất, bé vẫn chơi và ăn uống bình thường thì bạn nên theo dõi con ở nhà. Lúc này, đưa con đến bệnh viện thì không chỉ lo COVID-19 mà còn có thể lây các bệnh truyền nhiễm khác tại bệnh viện. Hoặc bạn có thể gọi điện để xin tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nhi, chủ yếu là để bác sĩ dặn dò các dấu hiệu của bé khi phải đi khám.
Thứ hai, nếu một đứa trẻ bị sốt cao vào lúc nửa đêm, nhà lại ở xa cơ sở y tế, thì lời khuyên đầu tiên là phải dùng thuốc hạ sốt cho bé.
Paracetamol là một thuốc hạ sốt khá an toàn, có thể mua mà không cần kê toa. Mấu chốt vấn đề là dùng sao cho đúng liều và đúng chỉ định. Hầu hết các phụ huynh nuôi con nhỏ đều có thể thuộc nằm lòng loại thuốc này.
Vậy, khi nào thì nên dùng thuốc hạ sốt? Đối với phản ứng của cơ thể, thì sốt ở một nhiệt độ vừa phải là có lợi, nhưng khi sốt cao trên 400C hoặc sốt dưới 400C nhưng làm em bé đừ, quấy khóc, ôn ói, bỏ ăn... là có hại. Lúc này cần phải dùng thuốc hạ sốt, nếu trước đó bé không có vấn đề gì về sức khỏe. Sau khi dùng thuốc hạ sốt và theo dõi sát tình trạng của bé, nếu thấy bé tiến triển tốt, vui vẻ và ăn uống bình thường thì tiếp tục theo dõi. Nếu tình trạng không khá hơn hoặc tệ đi thì phải đưa bé đi gặp bác sĩ. Còn với bé có bệnh nền sẵn như bệnh tim phổi bẩm sinh, bệnh não bẩm sinh... thì thậm chí nên dùng thuốc hạ sốt sớm hơn và cần đưa đi khám bệnh ngay.