Có nên “hạ giá” tri thức?

08-12-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sách là một sản phẩm xã hội, là một công cụ để tích lũy, truyền bá tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và vì thế, bạn sẽ không khỏi chạnh lòng khi tri thức bị hạ giá, bị người ta “bán tống bán tháo” cho xong!

Sách là một sản phẩm xã hội, là một công cụ để tích lũy, truyền bá tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và vì thế, bạn sẽ không khỏi chạnh lòng khi tri thức bị hạ giá, bị người ta “bán tống bán tháo” cho xong! Tất nhiên, đối với các nhà xuất bản, sách cũng là một sản phẩm thương mại, vì thế, vấn đề giảm hay giữ giá tri thức lại phụ thuộc vào ý thức của độc giả, chúng ta có nên ngồi chờ tri thức giảm giá như một thói quen thụ động?

Tri thức bị đánh đồng, giảm giá tràn lan

Trong lĩnh vực thương mại, phương thức giảm giá có thể xảy ra với bất kỳ sản phẩm nào, tuy vậy, vẫn có những sản phẩm được cho là không thể và không nên giảm giá. Những tháng cuối năm, thị trường sách dường như được “hâm nóng” với các thông tin giảm giá sốc nhưng liệu việc cứ hạ mãi giá có phải là liều thuốc tốt cho thị trường sách đang “ốm yếu” hiện nay?

Hạ giá có phải là liều thuốc tốt cho thị trường sách đang “ốm yếu” hiện nay?

Ngay ngày đầu tiên trong tuần Lễ hội sách Hà Nội 2014, một loạt gian hàng sách đồng giá siêu rẻ đã hút người xem. Ngày hội có nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt, giảm giá sách từ 30 - 50% ngay cả sách mới xuất bản. Thậm chí, sách đồng giá chỉ từ 3.000 đồng hay các phần quà hấp dẫn khi bạn đọc mua nhiều sách; Nhà sách Đinh Tị cũng áp dụng chương trình đồng giá sách từ 3.000 - 15.000 đồng, bên cạnh đó còn có chương trình chiết khấu 50% cho hóa đơn thanh toán và 35% cho khách hàng “check-in” tại gian hàng lên facebook; Thái Hà Books không chỉ mang đến hội sách một gian hàng rực rỡ với nhiều đầu sách được giảm giá từ 30 - 50%, ngay cả sách mới xuất bản, mà còn áp dụng chương trình mua sách và tặng sách với những bộ sách đã được gói công phu... Thôi thì đủ các chiêu trò “dụ dỗ” khách hàng... và không thể nói rằng chúng không hề hiệu quả! Trong lúc “bon chen” để mua được giá hời, không biết mấy ai còn quan tâm đến nội dung của những cuốn sách?

Tất nhiên, giảm giá sách cũng có nhiều lý do. Ví dụ đợt giảm giá này là nằm trong một chiến dịch quảng bá tích cực của nhà xuất bản để hòa chung vào việc cổ vũ tinh thần đọc sách của người dân, đặc biệt họ giảm giá tất cả các đầu sách và bày trang trọng thì hẳn là ai cũng vui. Như vậy sẽ có thêm biết bao độc giả nữa có cơ hội đọc sách. Nếu sách cứ nguyên giá bìa thì chẳng mấy sinh viên mua nổi, mà họ đáng lẽ phải là lực lượng đọc sách lớn nhất. Tuy vậy, nếu sách bày lộn xộn với biển giảm giá cắm lên trên, lô này giảm 60%, lô kia giảm 80%, giống quần áo đại hạ giá thì có lẽ ai nhìn thấy cũng... xót xa!

Giải pháp nào cho sách?

Sách hạ giá, thậm chí bị rẻ rúng, xót xa nhất có lẽ là tác giả. Có tác giả chia sẻ, khi nhìn thấy những quyển sách mới của mình bị giảm giá và chỉ còn không quá 10.000 đồng thì “đau” hơn nhiều lần so với khi nhìn thấy sách của mình trong hàng sách cũ, vì ít ra đã từng có người đọc. Như vậy, có thể hiểu mức độ quan trọng của một cuốn sách với người viết là ở độc giả hơn là giá tiền.

Về phía các nhà xuất bản, họ cũng cảm thấy khó xử: nên giảm giá sách thế nào để người mua không thấy quá rẻ rúng, người viết không thấy chạnh lòng và người bán không bị cho là “hạ giá”? Ngay cả người trong cuộc cũng phải lắc đầu: “Khó quá! Nghĩ mãi chẳng ra cách nào”.

Các nhà xuất bản và công ty phát hành tư nhân dẫu sao cũng là một đơn vị kinh doanh. Kinh doanh quần áo hay sách thì đều phải tính đến lợi nhuận. Khó mà yêu cầu họ đừng đại hạ giá được. Nhưng hạ giá đến mức 5.000 đồng/cuốn thì thảm quá. Ngay cả bán được 1.000 cuốn thì doanh số cũng chỉ 5 triệu đồng. Nếu dùng 1.000 cuốn sách ấy làm từ thiện thì có lẽ hữu ích hơn. Trước thảm cảnh tri thức bị hạ giá, sẽ có ai đó nghĩ đến việc tìm một hướng đi khác cho sách tồn. Những cuốn sách được bán với giá như... “cho không” sẽ trở nên quý giá đến nhường nào nếu được về với các bạn đọc ở miền quê xa xôi.

Phần lớn những trí thức trẻ đang đưa sách về nông thôn hiện nay đều xuất phát từ vùng quê nghèo nên họ rất thấm thía sự “đói sách” của những trẻ em nông thôn. Nhưng không phải lúc nào ước nguyện đưa sách về nông thôn cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Chị Vũ Thị Thu Hà (SN 1981) ở Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) chuyên làm về xây dựng là người đã có công đầu tư 12 tủ sách tại các vùng nông thôn của tỉnh Nam Định ao ước: “Nếu mỗi người con xa quê chung tay vào việc đưa sách về nông thôn thì con đường “sách hóa nông thôn” sẽ nhanh đến đích hơn...”.

Có lẽ đây là một sự gợi ý đối với các nhà xuất bản, họ nên có những động thái tích cực đối với sách tồn thay vì lựa chọn phương thức bán tống bán tháo.

Hưng Vũ

 

 


Ý kiến của bạn