Có nên 'ép' trẻ học chữ trước lớp 1?

14-07-2023 14:48 | Thời sự

SKĐS - Việc cho con học trước chương trình lớp 1 sẽ mang đến những tác hại gì? Ý kiến từ chuyên gia.

Gần 2 tháng nữa, năm học mới 2023-2024 sẽ chính thức bắt đầu. Câu hỏi có nên cho trẻ đã "tốt nghiệp" cấp mầm non chuẩn bị lên bậc tiểu học viết chữ, tập đọc, học làm các phép Toán trước khi vào lớp 1 hay không là thắc mắc chung của rất nhiều bậc cha mẹ.

Một số phụ huynh cho rằng không nên cho con đi học trước 6 tuổi vì học chữ sớm sẽ khiến con bị thui chột hứng thú học tập, mất hết tuổi thơ. Một số người lại mong muốn con khi vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo. Để giải đáp thắc mắc này, các chuyên gia giáo dục sẽ giúp phụ huynh bớt lo lắng và có lựa chọn phù hợp.

Phụ huynh băn khoăn

Chị Phạm Thị Hương Liêu (nhà ở một khu dân cư quận Hà Đông) cho biết có nhiều lý do để gia đình cho con trai đi học trước lớp 1. "Đầu tiên là tâm lý sợ con tiếp thu chậm, không theo kịp các bạn. Thứ hai là tôi lo sĩ số lớp ở bậc tiểu học thường đông hơn so với các lớp mầm non. Do đó, tôi sợ con sẽ ít được quan tâm hơn. Thứ ba một phần cũng là do ảnh hưởng của "trào lưu", "phong trào" khi cha mẹ thấy xung quanh mình các gia đình khác đều cho con theo học lớp học trước chương trình.

Mặc dù công việc của cả hai vợ chồng đều bận rộn nhưng chị Liêu cho biết, thời gian này cứ tối về là vợ chồng chị lại thay nhau kèm cặp, tạo thói quen học bài cho con. Vừa cùng con hoàn thành các bài tập viết bảng chữ cái hay phiếu tập đọc mà cô giáo ở nhóm lớp học tiền tiểu học giao về nhà, vừa hướng dẫn con thêm các mặt chữ cái mới.

Học chữ trước lớp 1: Có nên "ép chín" con trẻ? - Ảnh 1.

Chị Liêu hướng dẫn con nhận biết mặt chữ cái vào mỗi tối tại nhà.

Với các lý do kể trên, không chỉ ở thành phố lớn mà ngày càng nhiều gia đình tại hầu khắp các khu vực trên cả nước cũng mở rộng "xu hướng" cho trẻ học trước chương trình lớp 1.

Là một phụ huynh có con đầu năm nay vào lớp 1, chị Nguyễn Lương Minh (ở phường Thanh Miếu, Việt Trì, Phú Thọ) cũng sốt ruột và đang băn khoăn không biêt có nên cho con tham gia vào các nhóm lớp học chữ sớm hay không, khi bé gần 2 tháng nữa sẽ bước vào lớp 1.

"Tôi đang phân vân liệu có cần thiết cho con luyện chữ, luyện đọc trước hay không khi mà thực tế, ngay tại trường mẫu giáo nơi con học đã được tiếp cận, lĩnh hội lượng kiến thức, kỹ năng đúng với độ tuổi, chuẩn theo khung chương trình hiện hành".

Học trước có thể làm cho trẻ chủ quan khi vào lớp 1…

Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân (giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non, Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ) cho rằng, nhiệm vụ dạy đọc, dạy viết, dạy làm Toán là của các cô giáo cấp 1, trẻ không cần thiết phải học trước.

Theo cô Vân, để chuẩn bị vào lớp 1, trẻ cần phát triển toàn diện ở 5 mặt gồm: nhận thức, thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và thẩm mỹ. Những nội dung này đều có trong chương trình giáo dục mầm non ở lớp 5 tuổi. Các con được làm quen, nhận biết, tô màu chữ cái. Trẻ cũng học đến số 10, ví dụ học đếm hay tạo nhóm.

"Việc bị ép học chữ quá sớm có thể làm trẻ bị đánh mất tuổi thơ cũng như làm trẻ mất cơ hội vui chơi, rèn luyện cơ thể cũng như các kỹ năng cần thiết khác.

Bên cạnh đó, trẻ dễ gặp vấn đề trong tư thế ngồi, ngồi sai, trở thành thói quen và sẽ ảnh hưởng đến cột sống. Thái độ học của trẻ cũng có thể không tốt, vì trẻ thường nghịch ngợm, quậy phá, không chịu ngồi im, lâu ngày sẽ thành thói quen. Trẻ cũng dễ gặp phải tâm lý sợ học, ám ảnh việc học, tâm lý đó có thể kéo dài và ảnh hưởng đến cả những năm sau này khi trẻ đi học chính thức".

Học chữ trước lớp 1: Có nên "ép chín" con trẻ? - Ảnh 2.

Cha mẹ có thể cho con theo học các lớp kỹ năng để con nhận biết sơ lược về các con số, chữ cái, các hình khối… bằng việc thông qua các trò chơi, mô hình lắp ráp, các câu chuyện…

Ngoài ra, theo cô Vân, học trước cũng có thể làm cho trẻ chủ quan khi vào lớp 1, tỏ ra chán học vì đã được học trước rồi, không cùng học với bạn bè. "Ở tuổi này, trẻ chỉ cần được hướng dẫn để nhận biết những vật dụng quen thuộc ở xung quanh, hiểu thêm về các mối quan hệ ngoài gia đình, biết tự chăm sóc, lo cho mình một cách cơ bản nhất, biết tự bảo vệ, tránh xa những mối nguy không an toàn, biết sơ lược về các con số, chữ cái, các hình khối… bằng việc thông qua các trò chơi, mô hình lắp ráp, các câu chuyện… Cha mẹ từng bước dạy cho con hoặc cho con theo học các lớp kỹ năng, kiến thức nền tảng này, làm hành trang cho con bước vào lớp 1".

… và ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ

Trao đổi thêm về vấn đề này, TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc dạy học theo nội dung chương trình lớp 1 cho trẻ tuổi mẫu giáo từng xảy ra ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận.

Thực tế nghiên cứu và khảo sát cho thấy, việc dạy trước cho trẻ vào lớp 1 là phản khoa học, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, điều quan trọng là trang bị những kỹ năng cần thiết để trẻ sẵn sàng, tự tin vào lớp 1 mà không bị áp lực, căng thẳng. Những kỹ năng này đã được thiết kế trong chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi, bảo đảm khi kết thúc mầm non, trẻ có thể tiếp cận với chương trình lớp 1 mà không cần qua bất cứ một khóa học chuyển tiếp nào.

Thời gian hè này, cha mẹ hãy cùng con củng cố lại những kỹ năng đã học, đó là tự chăm sóc bản thân, là biết giao tiếp lễ phép, chơi hòa đồng với bạn, là cách tự thức dậy khi có tiếng chuông báo thức, là kỹ năng bảo quản đồ dùng, duy trì việc tập thể dục hoặc một môn thể thao yêu thích…

"Dù bất kỳ lý do gì, cha mẹ hoặc người chăm sóc, giáo dục trẻ cũng không được phê bình hoặc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác. Thay vào đó, hãy động viên, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, dành thời gian hướng dẫn các em ngồi học đúng tư thế, cách cầm bút, đặt vở… từ đó giúp trẻ làm quen với việc học tập một cách tự nhiên, không áp lực.

Để bảo đảm tất cả trẻ mầm non trước khi vào lớp 1 đều có được hành trang cần thiết, tự tin, theo khung kế hoạch thời gian năm học, Bộ GD&ĐT luôn cho phép học sinh lớp 1 được tựu trường sớm hơn ít nhất 2 tuần so với các lớp học khác. Khoảng thời gian đệm này trước ngày khai giảng sẽ có ích hơn rất nhiều khi có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ, giúp trẻ tự tin, sẵn sàng tâm thế chuyển trạng thái từ mầm non lên tiểu học".

Giải pháp nào để phụ huynh không phải xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ học cho con?Giải pháp nào để phụ huynh không phải xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ học cho con?

SKĐS - Trước tình trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm ở nhiều cổng trường THPT để nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 cho con, chuyên gia đưa ra giải pháp.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn