Hà Nội

Có nên dùng xilanh bơm nước muối rửa mũi cho bé?

10-04-2021 11:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bé nhà tôi 10 tháng tuổi, thời tiết ẩm thấp, nên cháu hay bị sổ mũi, ngạt mũi. Tôi đưa cháu đi khám, bác sĩ không cho dùng thuốc mà chỉ cho dùng nước muối sinh lý dạng xịt. Tôi tìm hiểu trên mạng, thấy hướng dẫn cách dùng xilanh bơm nước muối từ bên này cho chảy sang mũi bên kia sẽ nhanh khỏi ngạt mũi. Xin hỏi tôi có nên làm theo không?

Hoàng Hương Thủy (Hải Phòng)

Giai đoạn trẻ nhỏ từ 6 tháng đến vài tuổi thường bị sổ mũi, ngạt mũi, thậm chí là bị liên tục. Nếu không có viêm nhiễm mà chỉ là sổ mũi dị ứng, thì giải pháp phổ biến để giải phóng đường thở là rửa mũi bằng nước muối. Nếu bạn đã cho con đi khám thì chỉ nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, từ từ con sẽ hết sổ mũi, bạn không nên quá sốt ruột. Khi tình trạng ngạt mũi ảnh hưởng đến việc nuốt (gây sặc khi bú, khi nuốt) hoặc khiến trẻ không ngủ được, quấy khóc... bác sĩ sẽ có toa thuốc co mạch phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ.

Nếu bạn lên mạng gõ từ khóa rửa mũi, vệ sinh mũi sẽ ra một biển kết quả hướng dẫn bơm hút mũi cho trẻ vô cùng trực quan, sinh động. Nhưng việc làm này đa phần dựa vào kinh nghiệm cá nhân, sáng tạo ra rất nhiều tư thế súc rửa mũi cho trẻ: Từ hút xilanh bơm mạnh vào mũi cho tới đè ngửa ra xịt thẳng nước vào xoang... Việc làm này chưa kể đến khiến trẻ sợ hãi, đau dẫn đến stress, mà khi dùng sai dung dịch, sai cách, sai tư thế... sẽ nhiều khả năng dẫn đến viêm tai giữa nặng, tai chảy mủ... và hệ lụy khó lường.

Hơn nữa, trong mũi xoang có lớp niêm mạc liên tục tiết ra dịch, đây là các dịch sinh lý không ngừng đào thải ra khỏi xoang, hốc mũi, đóng vai trò vệ sinh, làm ẩm, giữ ấm, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dị vật (bụi, phấn hoa), bảo vệ hệ thống mũi xoang. Ngoài ra, trong môi trường dịch nhầy luôn cân bằng vi khuẩn có lợi và có hại. Nếu vệ sinh sai cách, vô tình có thể làm mất đi sự cân bằng này, dẫn đến các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ. Việc vệ sinh quá mức cũng khiến niêm mạc mũi khô rát rất dễ bị viêm, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm mạn tính. Vì thế, bạn không nên tự ý rửa mũi cho con khi chưa có chỉ định và hướng dẫn cách làm cụ thể. Bạn cần giữ ấm, vệ sinh tay chân sạch sẽ thường xuyên, không cho con ngậm đồ chơi, dị vật... Như vậy sẽ giúp giảm khá nhiều nguy cơ viêm mũi.


ThS. Nguyễn Quốc Khánh
Ý kiến của bạn