Nguyễn Ngọc Bảo (TP. Hồ Chí Minh)
Hôi miệng làm hạn chế trong giao tiếp do mất tự tin. Nguyên nhân hôi miệng chủ yếu do hơi thở có mùi hôi từ vệ sinh răng miệng kém sau mỗi bữa ăn. Thức ăn thừa bám lại giữa kẽ răng hay túi lợi và bề mặt lưỡi tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong miệng phát triển, phân hủy thức ăn thừa tạo ra mùi hôi. Chân răng có nhiều cao răng, các mảng bám không được lấy sạch cũng làm hôi miệng. Ngoài ra, các bệnh khác như nhiễm khuẩn mũi họng, viêm nha chu, viêm amidan hốc... cũng là nguyên nhân làm cho hơi thở có mùi hôi.
Để khắc phục chứng hôi miệng, thuốc xịt thơm miệng là biện pháp mà nhiều người dùng. Chúng có thành phần chủ yếu tạo mùi thơm từ các thảo dược thiên nhiên như bạc hà, bách lý hương, quế, chanh, cam thảo... với tác dụng nhanh để làm giảm hôi miệng; thường dùng trong các trường hợp hôi miệng chưa rõ nguyên nhân, sau khi hút thuốc lá hoặc ăn thức ăn hay gia vị nặng mùi. Tác dụng khử mùi hôi chỉ kéo dài khoảng 4-6 giờ nhưng không thể điều trị được các nguyên nhân gây hôi miệng đã nêu ở trên. Nếu sử dụng thuốc xịt thơm miệng thường xuyên sẽ bỏ quên điều cơ bản về vệ sinh răng miệng cần thiết hàng ngày.
Hầu hết các loại thuốc xịt thơm miệng ngoài hương liệu tạo mùi thơm đều có thành phần chất cồn. Nếu sử dụng thường xuyên và lâu dài thì chính chất cồn trong thuốc xịt thơm miệng sẽ làm cho miệng bị khô, dẫn đến hôi miệng. Một số thuốc xịt thơm miệng có cho ít đường để tạo cảm giác dễ chịu khi tiếp xúc với lưỡi, chính chất đường tạo điều kiện cho thức ăn nuôi vi khuẩn phát triển trong miệng tạo thêm mùi hôi.
Để hạn chế chứng hôi miệng, tốt nhất là nên vệ sinh răng miệng thật kỹ càng. Thỉnh thoảng nên uống nước, nhai kẹo cao su không đường để tạo cho niêm mạc miệng đủ độ ẩm ướt, không để miệng quá khô, dùng nước súc miệng sát khuẩn... Một vấn đề cũng cần lưu ý là không nên hoặc hạn chế dùng các loại thức ăn hay gia vị nặng mùi như hành tỏi gây, hút thuốc lá...
Khi chứng hôi miệng không được khắc phục, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân cụ thể nhằm chữa trị dứt điểm.