Có nên dùng thuốc tăng cường trí nhớ cho các sĩ tử?

12-06-2021 08:25 | Dược

SKĐS - Căng thẳng, lo lắng mỗi khi mùa thi đến khiến cho các cô cậu học trò đuối sức, ăn không ngon, ngủ không yên, mệt mỏi, uể oải... Để giải quyết tình trạng này, nhiều bậc phụ huynh đã tìm đến một số loại thuốc bổ não để giúp cải thiện khả năng nhận thức và tăng cường trí nhớ cho con mình. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này không hề đơn giản…

Không có thuốc cải thiện trí nhớ cho mọi trường hợp

Nhiều bậc phụ huynh cứ đến gần các kỳ thi là cho con uống các loại vitamin tổng hợp, omega 3, DHA, các loại thuốc tăng cường miễn dịch, nhân sâm… để bồi bổ cơ thể, giúp đầu óc tỉnh táo, không buồn ngủ… Những thuốc này thường chứa các hoạt chất làm tăng khả năng hoạt động các synap thần kinh và giảm nồng độ homocystein (một chất làm cản trở quá trình nhớ), giúp người bệnh có thể nhớ tốt hơn.

Không có thuốc cải thiện trí nhớ cho mọi trường hợp.

DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo (Bệnh viện Trung Ương Huế) cho hay, những loại thuốc này chỉ thực sự có tác dụng trên những người đang bị rối loạn thần kinh nặng như viêm đa dây thần kinh, tê phù… Một số thuốc có khả năng cải thiện trí nhớ và có tác dụng kích thích (do làm tăng nồng độ acetylcholin – một chất trung gian dẫn truyền ở não bộ) như: Modafinil, amphetamin và dextroamphetamin, memantin... chỉ được dùng cho bệnh nhân có khả năng nhận thức kém trong những trường hợp cụ thể như: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), chứng ngủ rủ, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ (Alzheimer)… Nhưng cũng chỉ dùng khi thật cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo nhấn mạnh, các loại thuốc này không có lợi ích rõ ràng đối với các sĩ tử. Không những thế việc sử dụng thuốc tùy tiện còn có thể gây những tác hại nguy hiểm cho người dùng. Nhiều người sau khi dùng thuốc có cảm giác tự tin hơn, nhưng rất dễ hình thành thói quen lệ thuộc thuốc. Ngoài ra, loại thuốc này cũng có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc bất lợi. Người dùng có thể gặp tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, lo lắng, hồi hộp, hoặc các tình trạng rối loạn giấc ngủ khác, nhìn mờ…

Học tập phải kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý

Chuyên gia tâm thần học TS. Trịnh Thị Bích Huyền khuyên, thay vì uống thuốc các bậc phụ huynh cũng như các sĩ tử cần có một kế hoạch học tập lâu dài, cần có đủ thời gian ôn luyện trước mỗi kỳ thi để tránh phải học dồn dập quá nhiều một lúc.

Với trẻ đang độ tuổi đi học, nhất là các sĩ tử trước mỗi kỳ thi, phương pháp học, lối sống khoa học rất quan trọng. Cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Học tập phải kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý và chuẩn bị một tâm lý vững vàng, bình tĩnh, tự tin. Tránh để trẻ thức quá khuya. Giấc ngủ vô cùng quan trọng, nhất là với trẻ đang tuổi phát triển. Không nên dùng các chất kích thích như cà phê để tránh buồn ngủ. Trẻ uống nhiều cà phê hay các đồ uống chứa caffeine có thể bị chóng mặt, căng thẳng, buồn ngủ, nôn, ngất xỉu… Nếu cơ thể hấp thụ nhiều chất này khiến tim đập nhanh hơn, dễ dẫn đến nguy cơ đau tim. Khi uống cà phê hay nước trà, trẻ có thể tỉnh táo hơn, nhưng đây chỉ là cảm giác tạm thời. Thức uống này có thể gây ra nhiều biểu hiện mất tập trung, mất ngủ, mỏi mệt và gà gật vào ban ngày… ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Không nên ép trẻ học quá nhiều, đặc biệt là trước mỗi kỳ thi.

Lưu ý, các bậc cha mẹ không nên ép trẻ học quá nhiều, đặc biệt là trước mỗi kỳ thi, vì đôi khi tạo hiệu ứng ngược. Nhiều trẻ học căng thẳng áp lực mà kết quả không cao. Học hôm trước hôm sau quên hết, không nhớ gì. Học không hiệu quả. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng stress. Có trẻ phải nhập viện vì có các biểu hiện của rối loạn tâm thần liên quan đến stress do áp lực học tập…

Tăng cường trí nhớ bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Trong thời gian thi cử, việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho các sĩ tử là rất quan trọng. Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), có thể hỗ trợ tăng cường trí nhớ, giúp tinh thần thoải mái, tỉnh táo cho các sĩ tử bằng chế độ ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng.

Trước hết, các sĩ tử phải ăn đủ nhu cầu về năng lượng, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối hợp lý, cung cấp đủ nhu cầu các loại vitamin và khoáng chất. Vì não cần khoảng ¼ tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, vitamin nhóm B cần thiết để giúp dẫn truyền các nơ ron thần kinh, sắt giúp vận chuyển máu để cung cấp o xy, vitamin A giúp cho mắt sáng và đặc biệt các axit béo omega-3 DHA và EPA là một loại acid béo không no có nhiều trong các loại cá như: Cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ.

Nên tăng cường ăn các loại rau màu xanh sẫm.

Kỳ thi năm nay diễn ra trong mùa dịch COVID-19, các sĩ tử phải học online trên các thiết bị điện tử: Máy tính, Ipad, iphone… Điều này không tốt cho sức khỏe, hại cho mắt, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trong khi đó, mắt, tai giúp cho não bộ tiếp nhận được thông tin. Mắt kém sẽ ảnh hưởng đến não bộ. Khi mắt thấy mỏi cần phải nghỉ, lấy lại thăng bằng bằng cách đứng dậy và mắt nhìn xa khoảng 20m, trong vòng 20 phút. Vì vậy, để tăng cường sức khỏe cho mắt cần bổ sung vitamin A bằng protein (đạm) có nguồn gốc từ động vật bao gồm thịt cá, trứng, sữa, hải sản…), các loại rau màu xanh sẫm, hoa quả màu vàng, đỏ. Tăng cường sử dụng các sinh tố hoa quả, bổ sung thêm sữa không đường... Không nên tự ý sử dụng bất kì loại thuốc tăng cường trí nhớ hay hỗ trợ não bộ nào mà chưa có sự thăm khám của bác sĩ.

Xem thêm: Tùy tiện dùng thuốc 'bổ não', tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu

Có nên uống thuốc bổ não thường xuyên không?


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn