Em đã cố gắng ăn uống nhiều loại thực phẩm có thể tiết sữa nhưng có vẻ không hiệu quả. Nghe nói thuốc metoclopramide có thể giúp tiết sữa nhiều? Xin hỏi sự thực thế nào? Em có nên dùng thuốc này không?
Ngô Thanh Tâm (Sóc Sơn, Hà Nội)
Như đã biết, quá trình tiết sữa ở người được kiểm soát bởi sự tương tác qua lại của nhiều loại hormon, trong đó, prolactin có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong thời kỳ mang thai, dưới tác dụng của một số loại hormon như estrogen, progesterone, insulin, cortisol và thyroxine, nhu mô tuyến vú sẽ tăng sinh hệ thống ống tuyến và nang tuyến để chuẩn bị cho việc bắt đầu tiết sữa. Quá trình tiết sữa sẽ bắt đầu khi nồng độ prolactin trong máu tăng cao.
Metoclopramide là thuốc có tác dụng kích thích đường tiêu hóa, thường được sử dụng để điều trị triệu chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, liệt dạ dày do đái tháo đường, dự phòng hoặc điều trị buồn nôn và nôn do dùng hóa chất, sau phẫu thuật… nhưng thuốc cũng có tác dụng kích thích tiết sữa thông qua việc ngăn chặn sự giải phóng dopamine ở hệ thần kinh trung ương, từ đó làm tăng nồng độ prolactin trong máu.
Tuy nhiên, khi dùng quá liều, metoclopramide có thể gây các biểu hiện ngoại tháp như run chân tay, rối loạn vận động và trương lực. Do đó, khi sử dụng với mục đích kích thích tạo sữa, tính an toàn của thuốc đối với trẻ là vấn đề hết sức được quan tâm. Ngoài ra, metoclopramide còn được sử dụng thành công để kích thích tiết sữa ở những phụ nữ không mang bầu trước đó, ví dụ như các bà mẹ cần sữa để nuôi con nuôi hoặc nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, lượng sữa thu được trong những trường hợp này thường không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của trẻ. Các bà mẹ đẻ non cũng thường bị thiếu sữa do trẻ không có khả năng bú. Trong những trường hợp này, tác dụng lợi sữa và tính an toàn của metoclopramide cũng đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Song, việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của mẹ là hết sức cần thiết để duy trì tác dụng lợi sữa của thuốc.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc lợi sữa, cần lưu ý giải quyết tốt các yếu tố gây mất sữa như trẻ lười bú, chế độ ăn của mẹ không đầy đủ chất dinh dưỡng… Bên cạnh đó, chị phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để có chỉ định phù hợp, tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.