Có nên dùng thuốc kháng viêm, chống dị ứng chữa viêm tai giữa?

27-04-2022 10:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Trong thực tế lâm sàng, rất nhiều trẻ em được dùng thuốc kháng histamine chống dị ứng, kháng viêm corticoid để điều trị viêm tai giữa cấp. Tuy nhiên thuốc này có thực sự cần thiết không?

1. Dùng kháng histamine và kháng viêm sẽ làm kéo dài dịch viêm tai giữa

Các nhà khoa học đã làm thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược về tác dụng của thuốc kháng histamin (chống dị ứng hoặc corticoid (thuốc chống viêm) trong điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em. Mục đích nhằm xác định xem liệu việc phối hợp các thuốc kháng histamine và corticoid có cải thiện nhanh và lâu dài lên kết quả điều trị viêm tai giữa hay không.

Có nên dùng thuốc kháng histamine, thuốc chống sung huyết và corticoid điều trị viêm tai giữa? - Ảnh 1.

Cẩn thận khi vệ sinh tai cho bé.

Theo đó, những trẻ em bị viêm tai giữa từ 3 tháng đến 6 tuổi được chọn một cách ngẫu nhiên, mù đôi và có đối chứng với giả dược. Tất cả 179 trẻ đều được nhận một liều tiêm bắp kháng sinh ceftriaxone. Các trẻ được ngẫu nhiên cho chlopheniramine maleate (chống dị ứng) và/hoặc prednisolon (kháng viêm) hoặc là cho giả dược trong 5 ngày. Kết quả chính được đánh giá dựa trên tần suất thất bại điều trị trong 2 tuần đầu, thời gian ứ dịch trong tai giữa và tần suất tái phát viêm tai giữa trong vòng 6 tháng.

Kết quả lâm sàng và tần suất tái phát không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nhóm. Những trẻ được nhận thuốc kháng histamine đơn độc có sự tồn tại của dịch tai giữa kéo dài hơn những trẻ trong nhóm khác (trung bình, 73 ngày) trong khi các nhóm khác là trung bình 23-36 ngày.

Bên cạnh kháng sinh, việc cho thêm 5 ngày thuốc kháng histamine hoặc corticoid không cải thiện được kết quả trong điều trị viêm tai giữa cấp trẻ em. Nên tránh sử dụng thuốc kháng histamine trong đợt cấp của viêm tai giữa vì thuốc có thể làm kéo dài thời gian ứ dịch trong tai giữa.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng chỉ ra: Việc sử dụng thuốc chống sung huyết mũi và kháng histamin đơn độc hoặc phối hợp đều làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc. Hơn nữa cũng không cải thiện được tình trạng bệnh và tỉ lệ phải can thiệp ngoại khoa vì biến chứng.

2. Chỉ cần kháng sinh liều cao + men tiêu vi sinh ngừa tiêu chảy là đủ

Trước thực trạng sử dụng thuốc chống dị ứng và corticoid tràn lan trong điều trị viêm tai giữa cũng như viêm hô hấp trên do siêu vi hiện nay, nghiên cứu trên góp phần làm sáng tỏ cơ chế, tác dụng cũng như cung cấp bằng chứng về tính không hiệu quả, kém an toàn của các thuốc này.

Có nên dùng thuốc kháng viêm, chống dị ứng trị viêm tai giữa? - Ảnh 2.

Hình ảnh viêm tai giữa.

Với kinh nghiệm lâm sàng, khi điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ có chỉ định kháng sinh, thì chỉ cần một loại kháng sinh cơ bản liều cao, bổ sung men vi sinh phòng ngừa tiêu chảy là đủ. Nếu phụ huynh cho trẻ tuân thủ dùng thuốc đúng và tái khám theo lịch hẹn, thì hầu như các ca bệnh đều được điều trị thành công mà không phải chuyển sang đường tiêm cũng như phối hợp kháng sinh.

Việc không dùng corticoid hay kháng histamine chống dị ứng trong điều trị viêm tai giữa cho đáp ứng tốt, phù hợp kết quả nghiên cứu.

Với những trường hợp chảy mủ tai, ngoài lần đầu tiên cần hút mủ vệ sinh ống tai, nhằm khảo sát màng nhĩ phía sau thì cũng hoàn toàn không cần thiết mỗi ngày phải "làm thuốc tai" (tức là đi hút, rửa, nhỏ thuốc tai mỗi ngày).

Lưu ý trong 1-2 ngày đầu phụ huynh chỉ cần dùng bông gòn y tế với đôi tay sạch, cuộn lại lấy bớt mủ tai chảy ra bên ngoài, sau vài ngày thuốc tai đều khô sạch.

3. Khi nào cần dùng thuốc chống sung huyết và kháng histamin?

Đối với trẻ em bị viêm tai giữa cấp và có/hoặc nghi ngờ viêm mũi dị ứng, thì có thể cân nhắc cho một thuốc chống sung huyết mũi và kháng histamin để giải quyết triệu chứng tại mũi. Nhưng cần thiết cân nhắc thật kỹ, so sánh lợi ích với những tác dụng ngoại ý và khả năng kéo dài thời gian chảy dịch tai giữa của kháng histamin.

Đối với viêm tai giữa cấp không kèm viêm mũi dị ứng thì không khuyến cáo các thuốc chống sung huyết và kháng histamin trong điều trị triệu chứng. Các nghiên cứu về lợi ích của kháng histamin và thuốc chống sung huyết mũi trong viêm tai giữa cấp cho thấy tiềm năng và lợi ích trong việc giải quyết dịch trong tai giữa là không có.

Việc sử dụng các thuốc kháng histamin nhằm mục đích giảm ho, giảm sổ mũi trong điều trị cảm lạnh, cảm cúm thường làm gia tăng tỉ lệ ứ dịch tai giữa, cô đặc đàm nhớt, từ đó gia tăng nguy cơ viêm tai...

Mời độc giả xem thêm video:

Cảnh báo di chứng kéo dài hậu Covid có thể thành hội chứng phổ biến | SKĐS

BSCK.Trần Văn Công
Ý kiến của bạn