Hà Nội

Có nên dùng thuốc kháng histamin trị sổ mũi cho trẻ thường xuyên?

28-10-2021 13:19 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều trẻ em bị hắt hơi sổ mũi. Tình trạng này khiến trẻ khó chịu, thậm chí có thể khiến trẻ bị nứt nẻ xung quanh vùng mũi. Đó chính là lý do nhiều bà mẹ tìm đến với thuốc chống dị ứng, trong đó có desloratadine để ứng phó với tình trạng này.

Tác dụng của thuốc chống dị ứng là gì?

Trong phản ứng dị ứng, cơ thể sinh ra chất hóa học gọi là histamine và gây ra các triệu chứng: Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ngứa họng, ho, mề đay…

Desloratadine một thuốc kháng histamin, hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của histamine trong cơ thể, giúp làm giảm nhanh tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi…

Trẻ bị viêm mũi có dùng thuốc chống dị ứng thoải mái được không? - Ảnh 1.

Tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi của trẻ khiến nhiều phụ huynh cho con sử dụng thuốc chống dị ứng.

Desloratadine là thuốc khá dễ uống đối với trẻ và có hiệu quả tốt khi dùng đúng chỉ định, khuyến cáo của nhà sản xuất. Do đó, desloratadine dạng siro 0.5mg/ml được bác sĩ kê đơn trong một số trường hợp trẻ bị viêm mũi dị ứng, có chảy nước mũi, ngứa mũi, sung huyết, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ngứa họng, ho…

Tuy nhiên, đây không phải là thuốc điều trị bệnh, mà chỉ làm giảm triệu chứng của dị ứng. Thuốc không làm thay đổi căn nguyên gây ra tình trạng dị ứng. Vì thế, trong điều trị  cần xác định nguyên nhân gây dị ứng (phấn hoa, khói bụi, thức ăn, thời tiết…) và loại bỏ các nguyên nhân đó mới là cách điều tình trạng dị ứng dứt điểm. Do đó việc sử dụng thuốc không được tùy tiện. Hơn nữa, thuốc chưa được đánh giá về an toàn và hiệu quả đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Do đó, cần hết sức thận trọng với trẻ lứa tuổi này khi sử dụng và phải có sự giám sát của bác sĩ.

Mặc dù đây là thuốc bán không kê đơn, tuy nhiên đối với trẻ em, việc dùng bất kỳ một loại thuốc nào cũng cần thận trọng, cần được bác sĩ khám bệnh và tư vấn dùng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Vì sao phụ huynh lạm dụng thuốc chống dị ứng?

Dù không thống kê chính xác, nhưng có khoảng gần một nửa số trẻ em bị viêm mũi, viêm mũi họng trước khi đi khám bệnh đã được bố mẹ cho dùng thuốc chống dị ứng, điển hình là desloratadine.

Do thuốc có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng như đã nêu ở trên, rất hiệu quả với viêm mũi dị ứng, nên thuốc được nhiều phụ huynh ưa sử dụng. Hễ thấy con bị chảy mũi là mua về dùng. Trong thực hành lâm sàng cũng gặp không ít các trường hợp phụ huynh sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc thấy triệu chứng của con mình giống với đứa trẻ khác nên mua thuốc giống như đơn của bé đó về dùng cho con mình…

Trẻ bị viêm mũi có dùng thuốc chống dị ứng thoải mái được không? - Ảnh 3.

Không tùy tiện sử dụng thuốc chống dị ứng.

Không phải cứ sổ mũi là dùng thuốc chống dị ứng

Đa số phụ huynh không hiểu rằng có rất nhiều nguyên nhân gây sổ mũi, ho. Mỗi nguyên nhân gây bệnh lại phải dùng thuốc khác nhau.

Với các thuốc kháng histamine nói chung và desloratadine nói riêng sẽ có tác dụng giảm ngứa mũi, giảm tiết dịch mũi trong bệnh dị ứng. Nhưng trên lâm sàng, đa số các triệu chứng ho, sổ mũi ở trẻ em là do bệnh cảm thông thường. Viêm mũi trong cảm lạnh là do các interlekin gây viêm, không phải histamine. Do đó các thuốc kháng histamine hầu như không có tác dụng. 

Ở trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi thì phần lớn viêm mũi do virus (hay gọi là cảm lạnh), ít khi liên quan tới dị ứng, nên việc cứ thấy chảy mũi là phụ huynh cho con dùng desloratadine để điều trị là không phù hợp. 

Như vậy đối với viêm mũi, viêm mũi họng thông thường, không dùng thuốc chống dị ứng vì không có hiệu quả. Thuốc chống dị ứng chỉ có tác dụng khi trẻ bị chảy mũi do dị ứng còn với cảm lạnh thì không có tác dụng. 

Với một trẻ bị chảy mũi không do dị ứng, nếu uống thuốc kháng histamine sẽ không đỡ bệnh mà còn có thể gây ra đờm đặc quánh, lâu khỏi hơn. Với trẻ nhỏ, các thuốc kháng histamine thế hệ 1 gây kích kích, khó ngủ, giảm tập trung…

Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác do thuốc kháng histamine gây ra, nhưng trẻ không biết tự nói ra: Khô mũi, khô miệng, táo bón, bí tiểu, nhịp tim nhanh.

Xem thêm video đặc sắc:

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi

DS.Nguyễn Minh Thành
Ý kiến của bạn