Nguyễn Văn Thế (Hà Nội)
Chứng đau cơ có thể do chấn thương, vận động quá mức hay do những rối loạn trong hệ cơ xương khớp. Dựa vào nguyên nhân và độ nặng của cơn đau, bác sĩ sẽ kê cho bạn một hay nhiều loại thuốc thuộc những loại thuốc sau: paracetamol; thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs); thuốc giãn cơ; thuốc giảm đau opioid; corticosteroid; thuốc chống co giật hay còn gọi là thuốc chống động kinh hay thuốc an thần..., trong đó, thuốc giãn cơ thường được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để điều trị đau co thắt cơ...
Khi dùng thuốc giãn cơ, tuyệt đối không uống rượu.
Tác dụng của thuốc là tác động lên não làm não điều khiển cơ thể thả lỏng cơ chứ không tác động trực tiếp lên cơ. Một vài loại thuốc giãn cơ thông dụng hiện nay là baclofen, cyclobenzaprine, carisoprodol và eperisone... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giãn cơ cũng có thể gây ra triệu chứng như co giật, ảo giác và gây nghiện... Vì vậy, bạn phải uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.
Trường hợp của bạn nên đi khám để được dùng thuốc thích hợp. Nếu được bác sĩ kê đơn dùng thuốc giãn cơ khi dùng, cần lưu ý: Do thuốc giãn cơ ức chế hệ thống thần kinh trung ương làm cho bạn khó có thể tập trung hoặc giữ tỉnh táo. Vì vậy, trong khi uống thuốc, bạn cần tránh các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo về tinh thần hoặc phối hợp như lái xe hoặc sử dụng máy móc. Bạn cũng không nên dùng thuốc làm giãn cơ với: rượu; thuốc giảm đau hoặc thuốc hướng thần; thuốc ngủ; các loại thảo dược bổ sung... Bạn cũng cần lưu ý việc thay đổi chế độ ăn, lối sống kết hợp với điều trị bằng thuốc sẽ giúp cho quá trình điều trị mang lại hiệu quả cao hơn. Chúc bạn mau khỏe!
DS. Trịnh Khánh