Có nhiều loại thuốc đang được coi là có tác dụng trên hệ thần kinh. Phần nào các thuốc này giúp cho hệ thần kinh có thể đạt được sự minh mẫn và chúng được gọi là các thuốc bổ não. Sở dĩ như vậy vì người ta cho rằng chúng có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng khả năng nhận thức, củng cố trí thông minh, nhạy bén hóa khả năng tư duy, nhưng tất cả chúng đều là những thuốc không đặc hiệu. Người ta chia các thuốc này ra làm nhiều nhóm:
Nhóm kích thích thần kinh
Nhóm này giúp cho đầu óc tỉnh táo, không bị buồn ngủ. Những thuốc này có tác dụng làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh, làm cường chức năng các thụ cảm thể alpha trung ương, do đó làm tăng khả năng tỉnh táo và giúp các bạn học sinh không bị buồn ngủ. Những thuốc này không trực tiếp tác động vào hoạt động tư duy mà chỉ tạo điều kiện cho hoạt động ấy diễn ra mà thôi. Các thuốc thuộc nhóm này: Atomoxetine, reboxetine, synephrine, arecoline, nicotine, caphein,... Tuy nhiên nhóm thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ vì vậy chỉ được dùng nhóm thuốc này khi có chỉ định của thầy thuốc, các bậc cha mẹ và các em học sinh tuyệt đối không được tự ý sử dụng, gây hại tới sức khỏe trước mắt và lâu dài.
Cần thận trọng khi dùng các loại thuốc bổ trong mùa thi.
Các thuốc thuộc nhóm racetam
Nhóm này có các thuốc như piracetam, aniracetam, nebracetam, fasoracetam, imuracetam... Chúng có một số tác dụng chung là làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh như acetylcholin, tăng hoạt hóa thần kinh, tăng chuyển hóa trong tế bào thần kinh nên cải thiện hoạt động trí tuệ. Tuy nhiên những thuốc này có tác dụng với những người bị các rối loạn thần kinh do mạch máu, bị tai biến mạch máu não... Còn các sĩ tử nếu dùng cần được sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý sử dụng vì thuốc cũng có một số tác dụng phụ như bồn chồn, bứt rứt, kích thích, lo âu hoặc gây rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, khó ngủ, hay thức giấc, ngủ gà), mệt mỏi, choáng váng, rối loạn tiêu hóa ở một số trường hợp. Các tác dụng phụ này thường xảy ra ở một số người sử dụng lần đầu, nếu ngưng thuốc có thể hết.
Các thuốc làm thay đổi lưu lượng máu não
Các thuốc nhóm này có thể làm thay đổi chuyển hóa của các tế bào não bộ. Những thuốc này đặc biệt có tác dụng với những người bị chứng thoái hóa, xơ cứng mạch, người cao tuổi, nhồi máu, chảy máu não. Vì chúng làm động mạch giãn ra đáng kể trong tình trạng đang bị hẹp do co thắt, bị chèn ép. Chúng cũng được coi là những thuốc bổ thần kinh hay được dùng trong mùa ôn thi. Các thuốc này thường là picamilon, gingko, vinpocetin (cavinton, enopocetin, vincaton), cinnarizin (stugeron, steron, vertizin). Vì vậy nhóm thuốc này cũng chỉ nên dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, các sĩ tử không nên tự mua về dùng mà có thể gặp những tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.
Nhóm các chất dinh dưỡng
Nhóm này thường là các thuốc như vitamin nhóm B, omega 3, DHA. Vitamin nhóm B có tác dụng làm gia tăng quá trình methyl hóa, làm tăng khả năng hoạt hóa các synap thần kinh. Các vitamin nhóm B được cho là có tác dụng làm giảm nồng độ homocystein, một chất làm cản trở quá trình nhớ. Người ta cũng giải thích là vitamin B làm tăng khả năng dẫn truyền thần kinh do tác động vào bao Schwan nên chúng có tác dụng trên khả năng tư duy. Song đó chỉ là tác dụng trên những đối tượng bị rối loạn thần kinh nặng như viêm đa dây thần kinh, tê phù. Omega 3 là một axit béo chưa no chuỗi dài có chủ yếu ở màng tế bào thần kinh, do đó là một chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ phát triển, nhất là trẻ em. Có thể dùng với mục đích bổ sung các chất dinh dưỡng trong các trường hợp các sĩ tử bị căng thẳng, mệt mỏi, ăn uống kém.
Các bậc cha mẹ cần nhớ là việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, thời gian ngủ, nghỉ và luôn tạo không gian vui vẻ, đừng tạo áp lực cho con sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc sử dụng những viên thuốc bổ mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Vì thuốc là con dao hai lưỡi, tuy là thuốc bổ nhưng nếu dùng không đúng cũng gây hại cho cơ thể.