Có nên dùng morphine để giảm đau cho bệnh nhân ung thư?

13-04-2019 07:00 |
google news

SKĐS - Trước đây, sử dụng morphin để giảm đau vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong ngành y tế bởi nhiều người e ngại về tính chất gây nghiện của loại thuốc này.

Trao đổi về vấn đề này, BS. Trương Thị Kiều Oanh - Khoa Nội theo Yêu cầu, BV Ung bướu Hà Nội cho biết: "Tỷ lệ bệnh nhân nghiện do dùng morphine rất thấp, phải dùng rất lâu mới gây nghiện. Mà những trường hợp bệnh ở giai đoạn cuối và đau răt nặng mới phải dùng morphine.

Khi bác sĩ chỉ định thuốc đã có sự cân nhắc tác dụng phụ và có sự theo dõi nên bệnh nhân không phải lo lắng về vấn đề gây nghiện của morphine".

Theo quan điểm y học hiện đại, nếu dùng morphine theo đúng chỉ định của bác sĩ thì hoàn toàn có thể kiểm soát được độc tính của nó. Do vậy, việc quản lý loại thuốc này hết sức chặt chẽ để tránh bị lạm dụng sai mục đích, sử dụng không đúng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngoài việc sử dụng thuốc giảm đau trong quá trình điều trị bệnh, đối với bệnh nhân ung thư chế độ dinh dưỡng, chăm sóc giảm đau bằng các liệu pháp tâm lý, vật lý trị liệu cũng đóng vai trò quan trọng.

Bệnh nhân ung thư cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ. Ảnh minh hoạ.

Đối với các vấn đề về dinh dưỡng, bác sĩ Kiều Oanh đã chia sẻ: "Ung thư và suy kiệt dinh dưỡng là đôi bạn. Người bệnh mắc chứng suy kiệt dinh dưỡng chiếm tỷ lệ rất cao từ 15-80%. Việc suy dinh dưỡng và suy kiệt sẽ làm bệnh nhân hạn chế tiếp cận các phương pháp điều trị tối ưu và giảm hiệu quả điều trị và tăng tác dụng phụ không mong muốn.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư không có gì khác biệt so với người bình thường nhiều. Cần chú ý về an toàn thực phẩm, ăn uống đủ dinh dưỡng, đủ năng lượng, phong phú đa dạng. Không có loại thực phẩm nào là tốt nhất, các thực phẩm dù tốt đến đâu sử dụng nhiều cũng thành không tốt".

Bác sĩ Oanh cũng chia sẻ các lưu ý về dinh dưỡng: Về chất đạm, theo nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ đạm đỏ có liên quan đến nguy cơ tim mạch, tiêu hóa. Người bệnh nên tăng tỷ lệ đạm trắng và hạn chế đạm đỏ. Hạn chế chứ không kiêng hẳn, như thịt bò, thịt lợn đỏ, nếu kiêng hẳn có thể dẫn đến thiếu máu.

Thứ hai là hàm lượng EPA, dầu Omega 3 giúp chống viêm, phù nề, giảm nguy cơ suy mòn do vết thương. Chất này có trong cá, cá hồi, dầu oliu,... bệnh nhân có thể bổ sung thêm.

Ngoài ra hiện tại có các loại sữa chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư, các bệnh nhân có thể kham khảo thêm. Các thực phẩm có thể chế biến phù hợp với tình trạng bệnh, ví dụ như hóa xạ trị dễ buồn nôn thì thức ăn mùi vị không quá nặng, dễ tiêu hóa....


P.H
Ý kiến của bạn