1. Kem đánh răng có trị được mụn trứng cá?
Thành phần chính trong kem đánh răng là các chất hoạt động bề mặt, khử trùng và khử mùi để làm sạch răng miệng và ngăn ngừa sâu răng. Xu hướng bôi kem đánh răng lên mụn trứng cá xuất phát từ hợp chất có trong kem đánh răng trước đây là triclosan.
Triclosan là một chất chống vi khuẩn mạnh đã được đánh giá là có tác dụng tốt chống lại nhiều mầm bệnh, bao gồm cả vi khuẩn gây mụn trứng cá, được gọi là P. Acnes. Triclosan được thêm vào kem đánh răng để ngừa viêm nướu, có tác dụng làm giảm vi khuẩn gây viêm nướu. Do đó, trước đây triclosan không chỉ được dùng trong kem đánh răng mà còn được dùng trong mỹ phẩm trị mụn.
Tuy nhiên, vào năm 2017, Cơ quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm sử dụng triclosan do có nhiều nghi vấn xung quanh tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng, nên hiện hầu hết các nhà sản xuất kem đánh răng đã ngừng sử dụng triclosan.
Trong kem đánh răng cũng có chứa glycerin và sorbitol là các hợp chất gốc cồn, có tác dụng làm khô da nên có thể có tác dụng tại chỗ với da dễ bị mụn trứng cá do tiết nhiều bã nhờn. Tuy nhiên, độ an toàn khi sử dụng lâu dài chưa được xem xét về mặt y tế. Glycerin và sorbitol cũng gây ra vấn đề thực sự cho da khô hoặc nhạy cảm. Một trong những tác dụng phụ của các thành phần chứa cồn là gây kích ứng, có thể làm mụn trứng cá nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, các thành phần khác có trong kem đánh răng như fluor, natri lauryl sunfat và axit citric có thể gây kích ứng da, gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Kem đánh răng làm trắng có chứa chất tẩy trắng để làm răng trắng hơn có thể làm bỏng da, gây loang lổ, trong trường hợp nghiêm trọng có thể để lại sắc tố lan rộng trên da. Vì vậy, tuyệt đối không nên dùng kem đánh răng để trị mụn trứng cá.
2. Phải làm gì khi bị mụn trứng cá?
Mặc dù những cách chữa trị mụn trứng cá nhanh chóng như mẹo dùng kem đánh răng có vẻ hấp dẫn nhưng hầu hết đều không mang lại hiệu quả mà còn gây hại.
Mụn trứng cá phát triển khi nang lông (lỗ chân lông) bị tắc nghẽn do sự tích tụ của tế bào da chết và bã nhờn. Khi một trong các lỗ chân lông bị tắc, nó có thể phát triển thành mụn trứng cá. Nếu liên tục bị nổi mụn thì việc giữ cho da sạch sẽ sẽ hiệu quả hơn thay vì làm theo những lời mách bảo trên mạng.
Nên làm sạch da bằng sữa rửa mặt tạo bọt dành cho da mụn hai lần một ngày để ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông, nhưng cần tránh chà xát bằng miếng bọt biển hoặc dụng cụ làm sạch da mặt có thể khiến mụn bùng phát, gây ban đỏ. Chỉ nên tạo bọt trong lòng bàn tay, sau đó thoa bằng đầu ngón tay rồi rửa lại bằng nước sạch.
Nếu có thói quen dùng tay chạm vào mặt, nặn mụn, mụn có thể trở nên trầm trọng hơn do bụi bẩn bám trên tay, vì vậy cần cố gắng bỏ thói quen gây hại này. Ngoài ra, cần giảm thiểu việc bôi mỹ phẩm lên vùng da bị mụn.
Mụn trứng cá nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn như adapalene, axit salicylic và benzoyl peroxide. Những loại thuốc này khá hiệu quả đối với mụn trứng cá nhẹ. Tuy nhiên cần lưu ý, kích ứng da là một tác dụng phụ thường gặp và có thể trầm trọng hơn khi sử dụng hai sản phẩm khác nhau cùng một lúc.
Các loại thuốc cần kê đơn bao gồm:
- Thuốc kháng sinh như erythromycin
- Retinoid như tretinoin, isotretinoin, adapalene, trifarotene
- Thuốc bôi theo toa kết hợp như clindamycin/benzoyl peroxide
Nếu có những nốt mụn lớn, đau nhức nằm sâu trong da hoặc mụn để lại sẹo khi khỏi, cần đến gặp bác sĩ da liễu để điều trị. Điều trị mụn trứng cá là một quá trình và điều quan trọng là phải kiên nhẫn mới thấy được kết quả.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Bắt bệnh từ vị trí mọc mụn.