Có nên dùng coenzym Q10 để tăng cường sức khỏe?

21-08-2009 16:32 | Dược

Coenzym Q10 (viết tắt là CoQ10) được phát hiện từ năm 1957, hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước. CoQ10 còn có tên là ubiquinone, cấu trúc hóa học thuộc nhóm quinone, có nhiều trong động vật, thực vật và vi sinh vật.

Tôi 53 tuổi. Thời gian gần đây sức khỏe của tôi giảm nhiều, người gầy, làm việc hay mệt mỏi nên đang dùng các thuốc bổ vitamin và uống thuốc Bắc. Mấy người bạn đến chơi, thấy tôi đang phải dùng thuốc, có người khuyên nên dùng thuốc coenzym Q10 sẽ lại sức rất nhanh. Đề nghị SK&ĐS cho biết coenzym Q10 là thuốc gì, dùng điều trị bệnh gì?

            Nguyễn Mạnh Hải (Từ Liêm - Hà Nội)

Coenzym Q10 được bào chế từ dược liệu tự nhiên.

Coenzym Q10 (viết tắt là CoQ10) được phát hiện từ năm 1957, hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước. CoQ10 còn có tên là ubiquinone, cấu trúc hóa học thuộc nhóm quinone, có nhiều trong động vật, thực vật và vi sinh vật. Có nhiều loại coenzym Q khác nhau tùy theo mạch bên (R) của cấu trúc hóa học chứa nhiều hay ít isopren (hydrocarbon không no gồm 5 carbon, đơn vị cấu tạo của các terpen) - thí dụ coenzym Q6 có mạch R gồm 6 isopren (có ở một số vi sinh vật), và coenzym Q10 có R gồm 10 isopren (ở ty thể của động vật), ở thực vật có chất tương tự là plastoquinon.

Ở người chỉ có CoQ10; các CoQ6 - CoQ9 khi theo thức ăn vào cơ thể sẽ được biến đổi thành CoQ10. Khả năng sinh tổng hợp CoQ10 của cơ thể còn tùy thuộc vào sự có mặt đầy đủ của các acid amin, vitamin và các yếu tố vi lượng; nếu thiếu các yếu tố này thì lượng CoQ10 trong cơ thể bị giảm sút. CoQ10 hiện diện ở mọi tế bào của cơ thể, là yếu tố không thể thiếu được cho sự cung cấp năng lượng trong tế bào. Tại ty thể của tế bào, CoQ10 hoạt hóa quá trình sinh năng lượg, tăng cường tổng hợp ATP và khả năng sử dụng ôxy của tế bào. Ngoài ty thể, CoQ10 có tác dụng loại trừ các gốc tự do.

Các cơ quan như tim, gan, thận cần được cung cấp một lượng lớn năng lượng để hoạt động nên có nồng độ cao CoQ10. Nồng độ CoQ10 trong cơ thể chịu ảnh hưởng bởi môi trường và các yếu tố cuộc sống như tình trạng stress, nồng độ hormon, tuổi tác, bệnh tật và các hoạt động thể lực... Khi CoQ10 trong cơ thể bị giảm sút sẽ làm giảm năng lượng, đồng thời hạn chế sự hoạt động của các cơ quan và tuyến nội tiết.

Rất hiếm trường hợp thiếu CoQ10 do nguyên nhân di truyền, mà chủ yếu là do nguyên nhân dinh dưỡng nghèo nàn. Tuổi tác là một trong những nguyên nhân gây thiếu CoQ10. Trong cơ thể, CoQ10 đạt mức tối đa quanh tuổi 20. Sau tuổi 20, mức CoQ10 có khuynh hướng giảm dần, ở tuổi 30 giảm khoảng 25%, ở tuổi 39 - 43 mức CoQ10 trong cơ thể chỉ còn 50%, tuổi càng cao càng thiếu CoQ10 hơn nữa. Khi tuổi cao năng lực biến đổi các coenzym Q khác từ nguồn thực phẩm cung cấp thành CoQ10 cần thiết cho cơ thể cũng bị suy giảm, nên nhiều bệnh dễ phát sinh ở người cao tuổi.

Gây thiếu hụt CoQ10 còn phải kể đến tình trạng nghiện rượu, nghiện thuốc lào, thuốc lá, kể cả hút thuốc thụ động (ngửi hít khói thường xuyên do người khác hút), chế độ dinh dưỡng thiếu, các hoạt động thể lực gắng sức, tình trạng stress, ốm đau, nhiễm lạnh... Ngoài ra, dùng một số thuốc như: chống rối loạn mỡ máu nhóm statin, thuốc chống trầm cảm, phong bế beta... cũng là những nguyên nhân góp phần gây thiếu CoQ10.

Thiếu CoQ10 thì trước hết tim bị ảnh hưởng, vì CoQ10 có nồng độ cao nhất là ở tim - trái tim chứa CoQ10 nhiều gấp 10 lần các mô khác. Tim hoạt động liên tục nên lượng ôxy tiêu thụ cũng rất lớn. Trong các bệnh tim mạch bệnh nhân thường bị thiếu hụt nghiêm trọng CoQ10 - giảm đến 75% so với cơ tim bình thường. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho hay, người bệnh tim uống đều đặn CoQ10 dạng viên nang hằng ngày sẽ giảm được nhiều triệu chứng như: phù, gan to, sung huyết tĩnh mạch, đánh trống ngực và cải thiện thông số tim (phân suất tống máu, cung lượng tim, chỉ số thể tích tâm trương...).

Ngoài ra, CoQ10 còn có khả năng chống ôxy hóa mạnh góp phần quan trọng hỗ trợ cơ thể trong việc chống các gốc tự do; nó có tác dụng hiệp đồng với các chất chống ôxy hóa khác như beta caroten, vitamin E, vitamin C... Do tác dụng này, CoQ10 có tác dụng làm chậm sự lão hóa cơ thể, cải thiện khả năng làm việc và kéo dài tuổi thọ, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống được nhiều loại bệnh tật.

Từ hơn 10 năm nay, trên thế giới có nhiều nước đã sử dụng CoQ10 bào chế dạng viên nang mềm, với một số tên biệt dược. Tuy nhiên, chỉ nên coi CoQ10 như chất bổ sung dinh dưỡng có tác dụng hỗ trợ điều trị, mà không nên dùng nó làm trị liệu đơn thuần để chữa bệnh. Cách tốt nhất là bác nên đi khám bệnh kỹ lưỡng, tìm cho ra nguyên nhân gây bệnh và dùng thuốc điều trị nguyên nhân. Có thể thầy thuốc sẽ cho dùng thêm CoQ10 hỗ trợ điều trị, hoặc các thuốc hỗ trợ điều trị khác.           

            BS. Vũ Hướng Văn


Ý kiến của bạn