Có nên dùng chung đơn thuốc khi triệu chứng bệnh giống nhau?

13-02-2019 20:15 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Em đang là sinh viên một trường cao đẳng và ở trọ cùng với bạn đồng hương.

Do bạn em đi làm ở kho đông lạnh thủy sản, thường xuyên phải làm việc trong môi trường ẩm ướt và tiếp xúc với nước, hóa chất nên bị nấm móng tay và đang được điều trị với thuốc itraconazol. Gần đây em cũng có biểu hiện nấm móng do lây từ bạn. Xin hỏi quý báo, em có thể dùng đơn thuốc như của bạn được không?

Đỗ Việt Hùng (Hải Phòng)

Nấm móng tay là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở người làm việc chân tay, làm việc trong môi trường ẩm ướt, thường xuyên tiếp xúc nước, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh rất dễ lây sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ đạc (quần áo, bao tay…). Itraconazol là thuốc đặc hiệu, dùng đường uống để điều trị bệnh nấm móng. Tuy nhiên, đây là thuốc được sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, có sự thăm khám cụ thể mới kê đơn để tránh những hậu quả xấu do thuốc gây ra.

Tuyệt đối không dùng chung đơn thuốc.

Tuyệt đối không dùng chung đơn thuốc.

Các tác dụng không mong muốn của thuốc phổ biến là rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đỏ da nhẹ, nặng hơn có thể gây giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt, nhiễm độc gan, suy tim sung huyết… Bên cạnh đó, trước và sau khi dùng mỗi đợt thuốc này, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, nếu có viêm gan đang tiến triển thì phải điều trị viêm gan cho ổn định mới được dùng thuốc. Hơn nữa, trong quá trình dùng thuốc, người bệnh vẫn cần sự theo dõi, điều chỉnh của bác sĩ vì ngoài xét nghiệm chức năng gan như trên thì sau khi kết thúc điều trị, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm soi tươi bệnh phẩm lấy tại móng bị bệnh nhằm đánh giá hiệu quả xem đã hết nấm chưa, kết hợp với đánh giá lâm sàng xem móng đã mọc ra lại chưa, hết xù xì, hết viêm, hết ngứa chưa. Nếu cả xét nghiệm và tình trạng lâm sàng chưa tốt thì bác sĩ sẽ có quyết định điều trị tiếp. Do đó, tốt nhất bạn nên đến khám tại chuyên khoa da liễu và không dùng đơn thuốc của người khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi mặc dù mắc cùng loại bệnh nhưng tình trạng cụ thể có thể rất khác nhau và có hướng điều trị khác nhau.

BS. Nguyễn Hải Liên


Ý kiến của bạn