Trần Nguyễn Ngọc Lan (Hải Phòng)
Muối ăn (thành phần chủ yếu là natri và clo) đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng thể dịch trong cơ thể cũng như tác động đến sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, cơ quan trong cơ thể. Thế nhưng tác động của muối với cơ thể trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi lại cần thận trọng.Số lượng cơ quan cảm nhận vị giác của trẻ em lớn hơn người lớn rất nhiều nên trẻ dễ nhận những kích thích mạnh và nhanh hơn người lớn. Việc sử dụng muối phù hợp với vị giác người lớn sẽ là quá mặn với trẻ em, đi kèm với đó còn là một số tác động tiêu cực bao gồm: gây thiếu canxi, tăng huyết áp ở trẻ. Thận trẻ dưới 1 tuổi chỉ có độ lọc bằng 1/3 người lớn, trong khi muối được lọc qua thận sẽ khiến cơ thể trẻ không đáp ứng được có thể dẫn tới tổn thương thận.Tùy vào từng giai đoạn mà lượng muối cung cấp cho trẻ là khác nhau. Theo khuyến cáo thì nhu cầu muối cho trẻ nhỏ được quy định như sau: Nhóm 0-5 tháng tuổi: 0,3g muối/ngày (hoặc 100mg natri/ngày); Nhóm 6-11 tháng tuổi: 1,5g muối/ngày (hoặc 600mg natri/ngày); Nhóm 1-2 tuổi: 2,3g muối/ngày (hoặc dưới 900mg natri/ngày). Tuy nhiên lượng muối ở trong các thực phẩm tự nhiên như gạo, ngô, thịt,... đã có hàm lượng natri nhất định đủ cho nhu cầu của trẻ, ví dụ như sữa có khoảng 240mg natri/L hoặc 75mg natri cho một bát bột trẻ em. Vì vậy đối với trẻ em dưới 1 tuổi thì bố mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thực phẩm thông thường mà không nêm nếm muối, để tránh dẫn tới thừa natri.